Phòng, chống Covid-19: Có nên tiêm mũi 4?

LÊ PHƯƠNG 12/06/2022 09:30

Thời gian gần đây số người tái nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng, thậm chí có người mắc tới lần thứ 3. Trong khi đó, theo báo cáo của nhiều tỉnh, thành phố, việc triển khai tiêm vaccine mũi 4 có nhiều chậm trễ. Vậy có nên tiếp tục tiêm mũi vaccine thứ 4 để phòng, chống Covid-19?

Người dân vẫn cần tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc để ổn định kháng thể.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những người đã mắc Covid-19 chủng Omicron khi Hà Nội bước vào đỉnh dịch.

“Đó là ngày 26/2, tôi thấy người sốt cao, ho nhiều. Test nhanh thì 2 vạch đậm, mặc dù tôi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine Covid-19. Sau 9 ngày, thì tôi âm tính hoàn toàn. Thế nhưng, điều bất ngờ là chỉ 2 tháng sau, tôi lại tái nhiễm Covid-19 ”, anh Hưng cho biết.

Câu chuyện của anh Hưng không phải là trường hợp cá biệt. Ở nhiều nơi, có những trường hợp tái nhiễm Covid-19 lần thứ 3, thậm chí thứ 4. Tuy nhiên, có thực tế, hiện nhiều người có xu hướng “nới lỏng” các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, một số người “né” tiêm mũi thứ 4.

Bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, hiện nay TP HCM đang tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho mũi thứ nhất, mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi và tiếp tục tiêm chủng cho những người chưa tiêm từ 12-17 tuổi, 5-11 tuổi.

Theo số liệu đến ngày 9/6, tỉ lệ tiêm nhắc lần thứ nhất (mũi 3) chưa cao, đạt khoảng 63,87%; mũi 4 mới triển khai tiêm, tiến độ khá chậm. Tỉ lệ tiêm cho trẻ 12-17 tuổi đạt gần 90%, trẻ 5-11 tuổi mũi 1 đạt khoảng 33%, mũi 2 đang tiêm. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho những người dân đã đủ điều kiện.

“Việc tiêm chủng mũi nhắc lại là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới, dần dần từng bước khôi phục lại các sinh hoạt xã hội, sản xuất. Do đó, việc này sẽ giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ bởi những liều tiêm cơ bản trước đây sau một thời gian sẽ dẫn đến kháng thể giảm dần. Tiêm liều nhắc lại đúng lịch giúp tăng cường khả năng bảo vệ hơn, hạn chế tình trạng chuyển nặng với từng cá nhân. Khi từng cá nhân được bảo vệ thì cộng đồng được bảo vệ” - bà Nga nói.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại khi kháng thể yếu đi theo thời gian là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. “Né” tiêm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh.

Theo BS Lê Thanh Toàn - chuyên gia về y học gia đình và là người tham gia xuyên suốt công tác chống dịch Covid-19 tại TP Thủ Đức (TP HCM), thời gian gần đây ông trực tiếp thăm khám cho một số người dân, ông nhận thấy có nhiều trường hợp ngại tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại (mũi 3-4), với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, tình hình dịch tại TP HCM đã cải thiện, số ca mắc Covid-19 giảm sâu và gần như không có ca bệnh cộng đồng.

Thứ hai, nhiều người dân nghe thông tin truyền miệng và trên mạng xã hội về việc sau tiêm có các tác dụng phụ như: cao huyết áp, ngứa, ảnh hưởng trí nhớ, tay chân đau… Có những trường hợp đã tự trải nghiệm ở những lần tiêm đầu tiên, nên khi nghe phải tiêm tiếp mũi 4, họ mang tâm lý e ngại.

Theo BS Lê Thanh Toàn, dù hiện tại dịch đã phần nào được kiểm soát, việc tiêm nhắc vaccine Covid-19 vẫn cần thiết. Bởi sau thời gian khoảng 6 tháng, kháng thể sẽ không còn mạnh và sẽ có nguy cơ tái nhiễm bệnh, kể cả nhiễm lại chủng cũ hoặc nhiễm chủng mới. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp phát hiện mắc bệnh 2-3 lần.

Trong khi đó, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - Phó Trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) cho biết, các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện tại vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối mà chỉ ở dạng cấp phép sử dụng khẩn cấp. Do đó, kháng thể tạo ra không bền vững mà sẽ giảm theo thời gian. Khi virus xuất hiện biến chủng mới vẫn có khả năng gây nhiễm bệnh và lây lan, với người đã từng mắc Covid-19.

Do vậy, cần đề phòng nguy cơ dịch có thể bùng phát. Hiện ngành y tế đã triển khai tiêm mũi 4 ở đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế để phòng chống bệnh… Các chuyên gia y tế nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phòng dịch không chỉ ở trong nước mà người dân đã được đi nước ngoài, do đó, nên tiêm tối thiểu 3 mũi vaccine.

Chuyên gia khẳng định, việc viêm chủng không làm hệ miễn dịch suy yếu, mà chỉ cần chú ý các phản ứng quá mức sau tiêm. Vì vậy, nếu có đợt tiêm chủng do ngành y tế phát động, người dân vẫn cần tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc để ổn định kháng thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống Covid-19: Có nên tiêm mũi 4?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO