Phòng, chống Covid-19: Thay đổi cách phân vùng nguy cơ

An Thái 27/11/2021 06:10

Sau nhiều ngày giảm số ca mắc Covid-19 xuống dưới vài nghìn ca/ngày, thì trong khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca mắc trong nước đã tăng nhanh, vượt qua con số 10.000 ca bệnh. Chủ động phòng, chống dịch, các địa phương như thành phố Hà Nội, TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp như phân luồng điều trị, hỗ trợ F0 tại cộng đồng…

Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới không còn là tiêu chí chính để đánh giá cấp độ dịch Covid-19. Thay vào đó, sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong… ở các địa phương.

Hà Nội phân luồng điều trị ca bệnh Covid-19

Sở Y tế Hà Nội vừa có hướng dẫn việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, trong đó hướng dẫn điều trị cho các ca bệnh có tình trạng hoặc bệnh lý chuyên khoa đặc biệt kèm theo như người nước ngoài, nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa, chạy thận chu kỳ, tâm thần...

Như vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đây là lần thứ 3 Sở Y tế Hà Nội ban hành hướng dẫn về công tác điều phối, phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đánh giá, phân tầng, điều phối, tiếp nhận người bệnh Covid-19 căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn phân loại mức độ lâm sàng, phân tầng điều trị của Sở Y tế.

Cụ thể, với các bệnh viện đa khoa điều trị Covid-19, tiếp nhận người bệnh Covid-19 tầng 2, theo chức năng nhiệm vụ của bệnh viện. Các Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn tiếp nhận người bệnh Covid-19 tầng 2, 3 theo chức năng nhiệm vụ của bệnh viện, tiếp nhận thêm người bệnh Covid-19 điều trị chuyên khoa ngoại. Bệnh viện Bắc Thăng Long, tiếp nhận người bệnh Covid-19 tầng 1,2 với người chạy thận nhân tạo. Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận người bệnh Covid-19 tầng 2 là người nước ngoài… Các bệnh viện chuyên khoa điều trị Covid-19 tiếp nhận người bệnh Covid-19 theo chuyên khoa.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 103 điểm đang phong tỏa liên quan đến các ca nhiễm, ổ dịch Covid-19. Ngoài ra, có 12 ổ dịch phức tạp, một số chùm ca bệnh tiếp tục ghi nhận ca mắc mới. Từ ngày 17/11, Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn thành phố, trừ 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, bởi mật độ dân cư cao và tập trung trụ sở của các cơ quan, tổ chức lớn. Thành phố cũng hướng dẫn thu dung, điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại các trạm y tế lưu động của quận, huyện, thị xã.

Về việc giám sát người dân về từ các địa bàn có dịch, Hà Nội bỏ yêu cầu người về từ TP HCM phải cách ly tại nhà 7 ngày, thay vào đó những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh, chỉ cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K…

Cùng với đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, thành phố Hà Nội thường xuyên cập nhật/điều chỉnh cấp độ dịch cho sát với thực tế ở cả 4 cấp độ. Đơn cử như việc thành phố nâng cấp độ dịch của 31 xã, phường trong thời gian vừa qua.

Thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Tuy nhiên, ở thời điểm này một yêu cầu đặt ra là cần phải thay đổi cách phân vùng nguy cơ Covid-19 để phòng, chống hiệu quả hơn. Bộ Y tế nhận định, với chủ trương sống chung an toàn với Covid-19, việc đánh giá số ca nhiễm trên 100.000 dân/tuần không còn quá quan trọng. Thay vào đó là đánh giá tình hình dịch bệnh qua tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dự kiến cách tính mới, đánh giá mới sẽ áp dụng ngay từ cuối tháng 11/2021. Với cách cũ, số ca nhiễm mới Covid-19 trên địa bàn trong 1 tuần tính trên 100.000 dân cùng các yếu tố như tỷ lệ tiêm chủng, khả năng thu dung, điều trị… sẽ quyết định địa phương đó ở cấp độ dịch nào. Tuy nhiên, cách tính này đã bộc lộ bất cập. Tại TP HCM, huyện Cần Giờ là một thực tế điển hình khi từ vùng xanh, bị tụt xuống thành vùng cam và mới trở lại vùng vàng.

Ông Sơn đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch càng chia nhỏ càng tốt, tới từng cụm dân cư, từng khu phố... để có biện pháp nhỏ gọn, hiệu quả, đặc biệt làm sao chăm sóc y tế tiếp cận được người dân. Để đáp ứng được điều đó, địa phương cần nâng cao năng lực đáp ứng điều trị, đặc biệt cần nỗ lực cung ứng thuốc, đặc biệt thuốc gói C, trong đó có Mulnopiravir.

Theo quy định hiện hành, 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cuối tháng 11 sẽ có một số điều chỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có những tiêu chí thích ứng này. Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với một số cục, vụ của Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống Covid-19: Thay đổi cách phân vùng nguy cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO