Phòng, chống dịch khi ‘mở cửa’: Chợ dân sinh, hàng quán lại chủ quan

Hoàng Chiến 16/10/2021 06:05

Hiện nay, nhiều địa phương đã cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ, cửa hàng ăn uống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để thì tình trạng chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ dân sinh, hàng quán… vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.         

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công điện về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Theo đó, từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải bảo đảm khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; khách hàng thực hiện quét mã QR khai báo y tế.

Không đeo khẩu trang như chưa hề có dịch

Quy định mới của UBND TP khiến người dân Hà Nội phấn khởi bởi sau nhiều ngày thực hiện giãn cách xã hội, giờ đây người dân đã có thể quay trở lại với cuộc sống “bình thường mới”. Nhưng trong niềm vui ấy đã xuất hiện biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch tại nơi công cộng, nhất là không thực hiện 5K.

Kể từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, người dân được phép ra đi ra đường mà không cần phải có phiếu đi chợ hoặc giấy đi đường, số lượng người tới chợ đông hơn so với trước đó.

Là nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày, chợ dân sinh là địa điểm được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số chợ dân sinh, công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa được quan tâm đúng mực.

Sáng 15/10 tại khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), dù ngay trước cổng chợ và trong các cửa hàng đều được trang bị mã QR Code, nhưng người mua hàng như không biết đến sự tồn tại của chúng. Cả người bán cũng dửng dưng, không nhắc nhở người mua khai báo y tế theo đúng quy định.

Đáng nói hơn, nhiều tiểu thương trong chợ vô tư tháo khẩu trang như chưa hề có dịch, thậm chí ngay cả khi giao tiếp với người mua hàng. Khi được nhắc nhở, một tiểu thương trong chợ cho biết: “Vì đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên không thấy lo lắng mấy, bỏ khẩu trang ra chút cho dễ thở”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Thu H. (Cầu Giấy) cho biết: “Nhà tôi gần chợ Nghĩa Tân nên thường tới đây để mua thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên, người mua bán thì đông nhưng không phải 100% đeo khẩu trang nên tôi cũng khá lo lắng”.

Tương tự, tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), mặc dù những bảng thông báo bắt buộc người dân thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... được đặt ngay lối ra vào, tuy nhiên nhiều người vẫn không thực hiện. Tấm biển báo và dung dịch sát khuẩn tay chỉ để cho có.

Không chỉ tại chợ dân sinh, ở một số siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng lơ là trong việc thực hiện 5K cũng có thể thấy rõ, đặc biệt là việc không thực hiện giãn cách khi thanh toán theo đúng quy định, nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ khẩu trang trong khi chọn thực phẩm…

Các quán cà phê đông nghẹt.

Những quán cà phê đông nghẹt

Cũng theo ghi nhận của PV, nhiều quán cà phê trên địa bàn thành phố ngay từ ngày đầu được cho phép kinh doanh tại chỗ đã đông nghẹt, chật cứng chỗ ngồi. Dù chỉ được cho phép phục vụ tại chỗ với số lượng không quá 50% nhưng thực tế các cửa hàng này đều không chấp hành nghiêm quy định về số lượng khách ngồi tại quán.

Không những vậy, nhiều quán cà phê cũng không trang bị vách ngăn hay tấm chắn, khách hàng ngồi túm tụm không đảm bảo giãn cách…

Dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội về cơ bản đã được kiểm soát, nhiều hoạt động, dịch vụ được nối lại sau thời gian dài tạm dừng theo chiến thuật “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” sẽ dần đưa xã hội trở lại tình trạng bình thường mới, giúp kinh tế từng bước được phục hồi. Tuy vậy, nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn rất cao nếu người dân và chính quyền địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho hay, Hà Nội đã triển khai tiêm vaccine cho người dân rất nhanh chóng, nhưng nguyên tắc 5K vẫn phải đặt lên hàng đầu. Mọi người dân đều phải có ý thức trong việc chấp hành các quy định này. Việc xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân rất cần đến sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền phường trên nguyên tắc chỉ đạo chung của Chính phủ.

Chỉ khi mỗi người đều ý thức được việc tự bảo vệ cho chính mình và cộng đồng trước dịch bệnh thì công tác phòng, chống dịch mới thực sự có hiệu quả.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, việc mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tuân thủ nghiêm hướng dẫn phân loại cấp độ dịch của Bộ Y tế là điều hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, không thể quy mỗi trách nhiệm cho ý thức người dân được, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.

Việc tăng cường kiểm tra, rà soát là hết sức cần thiết để nắm được tình hình, nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Việc mở cửa trở lại là ta đã chấp nhận những nguy cơ về lây lan dịch bệnh, nhưng tất cả đều đã nằm trong kịch bản dự tính và tầm kiểm soát của mình. Cho đến thời điểm này, dù là tiêm đủ vaccine hay không cũng đều tồn tại những nguy cơ về mầm bệnh, dù tỉ lệ thấp hơn. Bởi vậy, thực hiện nguyên tắc 5K vẫn là điểm mấu chốt, trong đó quan trọng nhất là giữ được khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang đúng theo quy định.

“Mạnh tay xử phạt các trường hợp không thực hiện 5K là trách nhiệm của chính quyền chứ đừng đổ cho người dân. Có xử lý nghiêm thì người dân mới biết sợ mà chấp hành” - ông Hùng nói.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng dù Hà Nội đang nới lỏng giãn cách xã hội thì người dân cũng không nên chủ quan. Bởi các biến thể của virus rất nguy hiểm, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào. Chuyện nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới và trong trạng thái vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. “Khi đã nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bởi chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì nguy cơ của dịch luôn hiện hữu và khó đoán trước” - ông Nga khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống dịch khi ‘mở cửa’: Chợ dân sinh, hàng quán lại chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO