Theo Bộ LĐTB&XH, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và bị nghiêm cấm tại môi trường làm việc. Do đó, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần được ngăn chặn, phòng ngừa thông qua các quy định, biện pháp cụ thể.
Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vừa được Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện. Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận.
Theo dự thảo, quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm ba hình thức: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có những cử chỉ động chạm cơ thể hoặc gợi ý tấn công tình dục.
Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, nhận xét không phù hợp về xã hội, văn hóa, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Đánh giá về những quy định tại dự thảo, ông Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, rất khó để xác định việc quấy rối tình dục nơi công sở, nhất là với hành vi lời nói thoáng qua, hay cử chỉ như nháy mắt, nhìn gợi tình...
Cũng theo ông Bình, rất khó để có thể làm rõ các khái niệm, định nghĩa, hành vi (nhất là hành vi kiểu nháy mắt - PV) để quy kết liệu nó có phải là quấy rối tình dục hay không. Ban hành thì dễ nhưng thực hiện thế nào cho đúng, chuẩn mực thì rất khó.
Thực tế ngay khi dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử được công bố ý kiến nhiều người dân cũng cho rằng, việc ban hành bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở là cần thiết nhưng cần phải sát thực tế thì mới có thể trở thành công cụ xây dựng môi trường làm việc an toàn. “Theo tôi việc quy định một cái nháy mắt bạn bè trêu nhau hay những nhận xét về trang phục cũng có thể coi là hành vi quấy rối rất mơ hồ. Những quy định này nếu đưa vào áp dụng tôi nghĩ rất khó có thể thực thi” – chị Nguyễn Thị Thùy, Hà Nội chia sẻ.
Ở góc độ khác, bà Hoàng Tú Anh - Trưởng Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) - Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), cần thiết phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
“Hiện nay các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục rất đa dạng, rất dễ bị nhìn nhận không đúng. Có những hành vi bị coi là bình thường, nghĩ là đùa cợt cho nên theo tôi cần có những quy định cụ thể thay vì các quy tắc ứng xử ở nơi làm việc", bà Hoàng Tú Anh nói.
Dẫn chứng cho quan điểm trên, bà Tú Anh cho biết nhiều khi chính nạn nhân cũng không nhận ra được rằng họ cũng đang bị quấy rối. Do vậy việc ban hành bộ quy tắc là cần thiết, nhưng việc thực hiện và xem xét chế tài báo cáo vụ việc cũng cần thiết không kém.
“Vấn đề quan trọng nhất chính là cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị tổn thương bởi quấy rối tình dục nơi công sở. Những tổn thương có thể rất lâu dài, vì thế cần có những hỗ trợ thay vì chỉ dừng ở việc kỷ luật, xử lý vụ việc” – bà Tú Anh nói.
Đồng quan điểm, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cũng cho biết, các nước đều có luật, có quy tắc ứng xử hoặc có nội dung quy định, hướng dẫn nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, việc ban hành bộ quy tắc tại nơi làm việc là cần thiết, từ bộ quy tắc này, các cơ quan đơn vị có thể đưa vào nội dung, quy ước nơi công sở giúp cho thực hiện luật dễ dàng hơn.
Trước những ý kiến băn khoăn trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐTB&XH, khẳng định bộ quy tắc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, quy chuẩn pháp luật của quốc tế cũng như các khuyến nghị của ILO về môi trường tại nơi làm việc. Bộ quy tắc này được khuyến nghị áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; dù sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ; cả khu vực công và khu vực tư nhân; bất kể quy mô.
“Thực hiện tốt cam kết về quan hệ tình dục tại nơi làm việc cũng là một trong những điều kiện giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu các nhãn hàng hoặc thị trường khi muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu hàng hóa EU, Mỹ, Nhật... Do vậy, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử là cần thiết” – ông Bình nhấn mạnh.