Phòng, chống tham nhũng nhìn từ vụ Việt Á: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

Đ.Sơn (thực hiện) 16/03/2022 07:04

Mới đây, cơ quan điều tra đã bắt giữ 2 quân nhân thuộc Học viện Quân y để điều tra về những sai phạm trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Liên quan đến vụ án tiêu cực về kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố hơn 20 bị can. Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp cao của CDC các địa phương, hoặc lãnh đạo cấp vụ thuộc các bộ, ngành.

Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty TNHH Luật TGS (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề trên.

PV: Theo ông, ngành chức năng cần có cơ chế giám sát quyền lực đối với lãnh đạo các cơ quan nhà nước như thế nào để không thể, không dám tham nhũng?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Có thể thấy đây là vụ việc rất nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian cả nước đang tập trung phòng, chống dịch đã khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nếu nhìn nhận vai trò và những vi phạm của Việt Á với CDC các tỉnh, thành là khâu cuối của chuỗi “mắt xích” vi phạm, thì “mắt xích” đầu tiên có thể ở việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về kit test. Và khi làm rõ được vi phạm ở khâu này, đó là câu trả lời cho những chuỗi vi phạm tiếp theo.

Đại dịch Covid-19 sẽ tác động lên nhiều mặt, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không ít cán bộ, đảng viên sẽ bị các đối tương xấu tìm cách lôi kéo, móc nối, tạo lập nhóm lợi ích để dễ dàng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời, tìm mọi cách loại bỏ những người trung thực, thẳng thắn, dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta triển khai thực hiện quyết liệt, quyết tâm chính trị cao hơn, trở thành xu thế, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và hình sự, trong đó tập trung vào các giải pháp căn cơ sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, nhất là thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong đó chú trọng xử lý cả các vụ việc tiêu cực trong cán bộ, đảng viên có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm;

Thứ hai, tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức về PCTN, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân;

Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng thật đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục bằng được sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ.

Thứ tư, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp…

Cán bộ, công chức, quan chức tham nhũng sẽ bị xử lý như thế nào, chế tài ra sao thưa ông?

- Theo quy định tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.

Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Đối với trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.

Ngoài ra, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống tham nhũng nhìn từ vụ Việt Á: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO