Phòng, chống tham nhũng nhìn từ vụ Việt Á: Cấu kết trục lợi trên diện rộng

Đức Sơn-Tuấn Minh 15/03/2022 06:30

Thời gian qua, hàng loạt cán bộ ngành Y tế bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam, đặc biệt là vụ thông đồng với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá thiết bị, trục lợi từ dịch bệnh Covid-19. Dư luận đặt câu hỏi: Lãnh đạo Công ty Việt Á “tầm cỡ” đến đâu mà có thể câu kết với hàng loạt quan chức để cùng nhau trục lợi?

Khi dịch Covid-19 bước vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, bộ kit test của Việt Á đã được Bộ Y tế giới thiệu cho nhiều địa phương.. Ảnh: Quang Vinh

Hám lợi, hàng loạt cán bộ “nhúng chàm”

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn- Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự (Học viện Quân y) về tội “tham ô tài sản” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đồng thời, khởi tố Đại tá Nguyễn Văn Hiệu- Trưởng phòng Trang bị, vật tư (Học viện Quân y) về tội “vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Trước đó, bắt đầu từ tháng 12/2021, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Sau được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC các tỉnh và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Quá trình tiêu thụ kit xét nghiệm, Công ty Việt Á đã câu kết, thông đồng với lãnh đạo CDC các tỉnh, thành nâng giá thiết bị để cung ứng cho các đơn vị. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Tính đến nay, trong số hơn 20 bị can bị khởi tố thì có một số người là giám đốc CDC các địa phương gồm: Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An), Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương), Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang), Hoàng Văn Đức (Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế).

Bộ Công an cũng đã xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ KH&CN. Cùng với đó là dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm Covid- 19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Do vậy, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế); ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN). Cả 3 người cùng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố hơn 20 cán bộ, quan chức và những người liên quan. Cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên, phong toả, ngăn chặn giao dịch bất động sản, tài khoản trị giá 1.220 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt và một số đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố trong vụ án Việt Á.
Nguồn: NLĐ

Cần “nhốt” quyền lực vào “lồng”

Nhìn từ vụ Việt Á, bàn về việc giải pháp làm sao ngăn chặn tham nhũng, Tiến sĩ Luật học Lưu Hoài Bảo (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, những bài học rút ra từ thực tiễn cho thấy phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để không dám tham nhũng và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để cán bộ không cần, không muốn tham nhũng.

“Muốn ngăn chặn, triệt tiêu được tham nhũng thì yếu tố con người là rất quan trọng. Làm tốt công tác cán bộ sẽ giảm thiểu nguy cơ tiêu cực trong bộ máy lãnh đạo. Ngược lại, nếu làm không tốt, thậm trí tiêu cực trong công tác cán bộ thì dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, hậu họa khôn lường” - Tiến sĩ Bảo nhấn mạnh đồng thời cho rằng cấp có thẩm quyền cần xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng phải được thể chế hóa thành pháp luật. Các quy định của pháp luật phải được rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, “bịt kín” những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng.

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Công ty Luật TGS, pháp luật nước ta đã quy định rất rõ hình thức xử lý hành vi tham nhũng của các cán bộ, công chức, quan chức nhà nước. Tùy mức độ vi phạm tham nhũng đến đâu thì sẽ bị xử lý đến đó, có thể là hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Luật sư Tuấn, để giải được bài toán trong phòng, chống tham nhũng, cần tìm ra nguyên nhân cội rễ của tham nhũng. Theo đó, muốn ngăn ngừa phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” thể chế bằng pháp luật. Hệ thống pháp luật kín kẽ không thể tham nhũng, với chế tài nghiêm để cán bộ không dám, không thể tham nhũng.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Trần Xuân Tiền- Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho rằng, để giám sát quyền lực đối với lãnh đạo các cơ quan nhà nước một cách hiệu quả, ngành chức năng cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đảm bảo thực hiện việc sử dụng nguồn tài chính công. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chuyên môn có chức năng thẩm định về chất lượng và giá, đảm bảo thẩm định đúng - đủ trong phạm vi thẩm quyền. Tránh trường hợp lợi ích nhóm giữa các bên tiến hành nghiên cứu, đơn vị thẩm định và doanh nghiệp kinh doanh như vụ việc nêu trên. Đồng thời, cần thực thi nghiêm túc hoạt động điều tra và xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ có các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật. Thực thi hình phạt một cách nghiêm khắc là sự giáo dục và tuyên truyền pháp luật hiệu quả bậc nhất đối với các tệ nạn trong xã hội.

“Chúng ta đều biết rằng, tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực. Đặc biệt, đối với những chủ trương đi liền với lợi ích vật chất, bên cạnh việc thực hiện chủ trương, thì công tác giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời phải luôn được song hành. Chỉ khi nào quyền lực được gắn với công tác kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, thì khi đó mới hạn chế được tha hóa quyền lực” - Luật sư Tiền nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa:

Xem xét trách nhiệm của bộ phận thanh tra, kiểm tra

Có thể nói, vừa qua, công tác quản lý đã có sự buông lỏng. Từ những vấn đề đã xảy ra; từ vụ việc của Công ty Việt Á có thể thấy nguyên nhân là các cơ quan quản lý nhà nước đã không giám sát, kiểm tra, khi có dư luận đã không kịp thời xử lý triệt để. Việc giám sát cần được thực hiện tốt từ bên trong và giám sát từ các cơ quan bên ngoài. Nếu các cơ quan “bên trong” không làm tốt, nhưng các cơ quan chức năng “bên ngoài” lại không quan tâm thì sẽ tạo môi trường và điều kiện để tham nhũng, sai phạm phát sinh.

Vì thế cần chấn chỉnh hệ thống các cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Phải đề cao trách nhiệm, có chế tài nếu để xảy ra sự việc sai phạm thì ngoài người vi phạm phải chịu trách nhiệm thì cũng phải xem xét đến trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận thanh tra, kiểm tra…

Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng:

Phải xử lý đồng bộ, ai liên quan cũng xử lý

Trong khi cả nước nỗ lực chống dịch thì có những bộ phận và những người lại lợi dụng dịch để tư lợi cho bản thân hay “nhóm lợi ích”. Việc mua bán những sản phẩm xét nghiệm với giá cao, thông đồng với nhau để tạo thành một đường dây rất lớn, là vấn đề rất nghiêm trọng. Việc bắt giam, điều tra những trường hợp sai phạm là đúng nhưng để phòng, chống thì cần phải làm nghiêm minh hơn nữa. Tức là, phải tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát ở các lĩnh vực theo đúng quy định của pháp luật.

Trong tất cả các lĩnh vực, luật pháp đã có quy định đầy đủ nhưng phải tăng cường các hoạt động giám sát của các cơ quan được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Cần đặt vấn đề tại sao để sai phạm kéo dài như vậy mà không phát hiện được? Đề nghị phải xử lý nghiêm minh, xử lý trên diện rộng, những ai có ảnh hưởng đến việc sai phạm đó đều phải xử lý. Xử lý đồng bộ chứ không chỉ khoanh vùng ở một số nào; triệt để tịch thu số tiền sai phạm để sung công quỹ nhà nước.

Trần Hải (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống tham nhũng nhìn từ vụ Việt Á: Cấu kết trục lợi trên diện rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO