Phòng ngừa và đấu tranh với tham nhũng khu vực tư

Nguyên Hương 13/01/2017 06:51

Tham nhũng không chỉ xảy ra ở khu vực công mà đã xuất hiện ở khu vực tư. Nếu không tìm ra những giải pháp hữu hiệu chặn đứng hành vi tham nhũng sẽ làm thất thoát khối tài sản không nhỏ. Đó là ý kiến tại hội thảo “ Phân tích so sánh pháp luật phòng, chống tham nhũng khu vực tư (KVT) kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng tại Việt Nam” do Ban Nội chính TƯ tổ chức ngày 12/1.

Theo quan niệm truyền thống, tham nhũng (TN) chỉ xuất hiện trong khu vực công (KVC) bởi quyền lực trong xã hội do nhà nước nắm trọn. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển thì sự can thiệp của nhà nước ngày càng có xu hướng thu hẹp, KVT ngày càng đóng vai trò quan trọng nhất là trong lĩnh vực kinh tế với sự phát triển của những công ty, tập đoàn lớn.

Việc thiết lập bộ máy để quản lý sẽ đồng nghĩa với việc trao “quyền lực” cho những cá nhân đứng đầu để điều hành, quản lý hoạt động hay sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tập đoàn. Nguyên lý quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền cũng sẽ xuất hiện mà không phân biệt KVC hay tư.

TN trong KVT làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh và tạo ra những bất bình đẳng, làm giảm lòng tin đối với doanh nghiệp KVT; đe dọa sự tín nhiệm, trung thực và trung thành – những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển các quan hệ xã hội và kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các hành vi TN trong KVT, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, phục vụ phát triển bền vững.

Rất nhiều giải pháp được đưa ra để đẩy lùi tham nhũng ở KVT. Ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề xuất: Toàn bộ máy phải chuyển động cải cách theo tinh thần phục vụ thì tình trạng đưa, nhận hối lộ sẽ giảm đi nhiều. Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hành chính theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng, tránh việc dừng ở nguyên tắc, định hướng, định tính chung chung. Cần tiếp tục cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đồng thời kịp thời phát hiện khó khăn của doanh nghiệp để bổ sung, sửa đổi nhanh các thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, gọn nhẹ, công khai, minh bạch.

Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao cho rằng: Trong các hành vi TN thì hối lộ chính sách là hành vi tinh vi, gây ra thất thoát và thiệt hại vô cùng lớn cho toàn xã hội. Do đó, một trong những giải pháp mang tính quyết định để PCTN hiệu quả đó là phải tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước một cách đồng bộ và toàn diện. Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo tự do trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp đồng thời phải có các biện pháp xử lý nghiêm các hoạt động làm méo mó, tác động tiêu cực tới quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp lại cho rằng: Hiện nay, đưa hối lộ là hình thức quá lạc hậu của hoạt động TN. Với nhiều biến tướng phức tạp, các hoạt động như hợp thức hóa cổ phần, cổ phiếu; chuyển giao tài khoản ra nước ngoài... Do vậy, việc nâng cao khả năng nhận diện hành vi TN là cực kỳ quan trọng. Cùng với đó, phải tăng cường kiểm soát tài sản kể cả trong KVC và KVT thì mới có thể khắc phục được một phần khó khăn trong PCTN.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ đề xuất Luật PCTN 2005 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho công tác PCTN của Nhà nước. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa hành vi TN trong KVT cũng xuất hiện ở một số văn bản luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, các Luật này chưa có đủ các quy định để PCTN trong KVT thực sự hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng ngừa và đấu tranh với tham nhũng khu vực tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO