Phòng thí nghiệm trên container

Đức Trân 01/07/2021 07:40

Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai hoàn thành 5 phòng thí nghiệm container áp lực âm, điều kiện đảm bảo an toàn sinh học cấp độ 2. Các container xét nghiệm sẽ được chuyển đến những “điểm nóng” về dịch bệnh trên cả nước, hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống đại dịch.

Sản phẩm được thiết kế và thi công bởi nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã hoàn thành 5 container áp lực âm xét nghiệm lưu động với tổng trị giá hơn 10 tỉ đồng.

Container xét nghiệm di động được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và phù hợp với yêu cầu phòng xét nghiệm do Bộ Y tế quy định. Container được thiết kế hệ thống áp lực âm ngăn virus, hệ thống tủ an toàn sinh học để ngăn chặn vi rút lây nhiễm cho người xét nghiệm, bộ lọc HEPA để ngăn chặn sự phát tán của virus, hệ thống xử lý nước thải cũng như hệ thống cấp điện lưu động cùng hệ thống bàn ghế thí nghiệm, giá đỡ chống rung, lò hấp tiệt trùng và tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.

Ưu điểm của mô hình này là thuận tiện di chuyển, có thể đưa đến bất kỳ địa điểm nào trên cả nước (khu công nghiệp, vùng núi, biên giới) để tiến hành xử lý xét nghiệm tại chỗ, giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh và quá tải cho các bệnh viện.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển đã triển khai mô hình này để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19 nhưng giá thành sản xuất rất cao, thông thường không dưới 20 tỉ đồng/1 container. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng và cải tiến mô hình trên thế giới, tận dụng nguồn lực tại chỗ để đưa giá thành xuống 2 tỉ cho 1 container. Các thiết bị như máy RT-PCR, hệ thống RT-LAMP hay hệ thống Hithroughput PCR có thể được đặt trong container theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19 cũng cho kết quả chính xác hơn đọc trong phòng thí nghiệm lưu động.

Dự kiến khi được trang bị hệ thống RT-LAMP, mỗi container có khả năng xét nghiệm 3.600 mẫu đơn, 36.000 mẫu gộp. Thiết bị này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất trong công tác xét nghiệm nhanh, kiểm soát dịch.

TS. Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Từ tháng 10 năm 2020 sau khi làn sóng Covid-19 thứ 2 diễn ra, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực phát triển mô hình xét nghiệm lưu động để phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong điều kiện nhiều địa phương còn hạn chế trang thiết bị cũng như công tác xét nghiệm Covid-19 đòi hỏi sự nhanh chóng và chuẩn xác để mau chóng khoanh vùng, dập dịch. Trong thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực, triển khai thêm nhiều mô hình hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch như xe vận chuyển vaccine, trung tâm tiêm chủng lưu động….

Được biết, đây là sản phẩm đầu tay của nhóm tác giả. Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, và tiếp nhận phản hồi của các địa phương trong quá trình triển khai.

Thiết kế nói trên được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, với nhóm tác giả: ông Nguyễn Hữu Tú (Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam), bà Trịnh Thị Thanh Hương (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và ông Phạm Anh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec) và được cam kết chia sẻ rộng rãi cho tất cả các địa phương, tổ chức để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng thí nghiệm trên container

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO