Phong tỏa nghiêm, không ‘đánh rắn giữa khúc’

V.Thắng-P.Sỹ-Đ.Trân 02/08/2021 07:35

Sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách, Hà Nội vẫn tiếp tục ghi nhận thêm những ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng. Công tác phòng, chống dịch đang được gấp rút thực hiện với độ tập trung cao, tận dụng thời gian còn lại trong thực hiện giãn cách để hạn chế nguy cơ ở mức thấp nhất.

Lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, sáng 1/8.

Quyết liệt thực hiện lấy mẫu, truy vết ca mắc mới

Ngày 1/8, lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các tiểu thương tại chợ Phùng Khoang sau khi phát hiện ca mắc mới tại đây. Đồng thời, khu vực chợ Phùng Khoang cũng tạm dừng hoạt động, cho đến khi có thông báo mới. Hiện, tất cả các cổng vào chợ đã được phong toả, các lối vào cũng được lực lượng chức năng kiểm soát.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Xuân Thăng, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Thống Nhất - đơn vị quản lý chợ Phùng Khoang cho biết: “Từ trước đến giờ chúng tôi đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, tất cả cổng chợ ra vào đều bố trí người đo thân nhiệt, sát khuẩn. Sau khi phát hiện có ca F0 trên địa bàn chợ, chúng tôi đã triển khai theo chỉ đạo của UBND quận Nam Từ Liêm, tạm dừng hoạt động đối với khu chợ Phùng Khoang 2. Và trong sáng 1/8, chúng tôi cũng đã nhận được yêu cầu dừng hoạt động đối với khu chợ Phùng Khoang 1, lấy mẫu xét nghiệm đối với toàn bộ tiểu thương của 2 khu chợ”.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, ngay trong đêm ngày 31/7, quận đã tiến hành truy vết, hiện tại xác định được 10 trường hợp F1 còn lại là liên quan. Cả 10 F1 nói trên đều không ở địa bàn quận Nam Từ Liêm, trong đó có 2 trường hợp ở Hưng Yên và 8 trường hợp ở các quận huyện khác của Hà Nội.

“Chúng tôi đã thông báo cho các địa phương có F1 để xử lý theo quy định. Hiện nay, những người bán hàng tại chợ đã được lấy mẫu xét nghiệm, còn đối với những người đi chợ, ngay từ tối qua chúng tôi đã phát thanh và gửi thông báo, khuyến cáo yêu cầu người dân khai báo y tế tại trạm y tế địa phương, tự theo dõi sức khoẻ.”

Bà Trang cũng cho biết thêm, sẽ không lấy mẫu xét nghiệm đại trà cho tất cả người dân đã từng đến chợ Phùng Khoang, người dân sẽ tự theo dõi sức khoẻ và báo với y tế nếu có biểu hiện bất thường, khi đó các trạm y tế, trung tâm y tế sẽ xử lý.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, ngày 1/8, địa bàn quận tiếp tục ghi nhận một số ca F0 tại địa bàn phường Chương Dương. Sau khi nhận được thông tin về những ca dương tính mới, quận đã tiến hành phong tỏa và giao cho Tổ Covid cộng đồng cùng nhân viên y tế triển khai truy vết những người liên quan.

“Sau khi có được lịch trình của các ca F0, chúng tôi đã mời các F1, F2 lên xét nghiệm. Đồng thời tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực. Đối với những ca F0 chúng tôi đã chuyển đến cơ sở chữa bệnh, đối với F1 thì tiến hành cho cách ly tập trung, còn các trường hợp sẽ được cách ly tại nhà và theo dõi. Hiện tại chúng tôi vẫn tiến hành công tác truy vết để ngăn chặn”.

Khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến

Song song với công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm các ca F0, F1 trên địa bàn, Thủ đô Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Tại ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), hàng trăm công nhân tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là bệnh viện dã chiến, theo quy định của Bộ Y tế; là cơ sở để thu dung điều trị những bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Tức là bệnh viện dùng để điều trị những bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Bà Hà cũng cho biết, quy mô của bệnh viện sẽ có khoảng 1.000 giường bệnh. Bệnh viện sẽ do Sở Y tế TP Hà Nội quản lý điều hành.

Kịch bản nào cho Hà Nội sau những ngày giãn cách xã hội?

Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) chia sẻ: “Về nguy cơ, tình hình dịch tại Hà Nội chưa thể xuống được ngay. Bởi thời gian ủ bệnh của Covid-19 là 14 ngày. Khi giãn cách đã có một số người mắc trước thời điểm giãn cách. Giờ xét nghiệm mới phát hiện ra”.

“Trong lúc này cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tuy nhiên không để đông người, có thể tiêm tại trường học, khu công cộng, huy động cả tư nhân vào tiêm. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nhỡ phát sinh nhiều ca có thể phản ứng được ngay. Theo đó cần phân tầng bệnh viện, phân loại bệnh nhân. Không được dồn hết bệnh nhân nhẹ cùng với bệnh nhân nặng”, ông Phu nói.

Ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng, việc quyết định tiếp tục giãn cách tiếp hay không còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá xét nghiệm diện rộng. Theo đó, một vài kịch bản có thể xảy ra trong những ngày tiếp theo như: Thứ nhất, tiếp tục giãn cách cả thành phố; thứ hai giãn cách một số địa bàn, địa bàn nào còn nguy cơ cao thì giãn cách địa bàn đó; thứ ba vẫn tiếp tục giãn cách nhưng siết chặt một số hoạt động đi lại, tập trung đông người vì nguy cơ lây lan vẫn còn.

“Bây giờ phong tỏa càng nghiêm thì càng tốt. Nếu không nghiêm sẽ là “đánh rắn giữa khúc” và dịch có cơ hội là bùng lên”, theo ông Phu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong tỏa nghiêm, không ‘đánh rắn giữa khúc’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO