Phong tục cúng ông công ông táo, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

Xuân Ngọc 01/02/2021 08:00

Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, nhà nhà lại chuẩn bị mua sắm lễ vật, chuẩn bị cúng ông Công ông Táo và phóng sinh cá chép để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Đây là một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa đã được lưu truyền từ xưa đến nay của người Việt Nam.

Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị thần bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người. Đến ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng. Đây là một trong những phong tục, tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.

Bên cạnh đó, hình thức phóng sinh cá chép ra sông, hồ, ao, suối sau khi cúng là hành động nhân văn, thể hiện lòng nhân ái của người Việt Nam.

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ông công, ông Táo

Theo quan niệm dân gian, cúng ông Công, ông Táo thường vào trưa 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa mọi người có thể cúng tiễn ông Táo bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp.

Lễ vật cúng Táo công gồm có: Mũ ông Công ba cỗ: Hai mũ của hai Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Ngày nay, cá chép có thể là cá sống hoặc làm bằng giấy.

Cá chép là một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Táo quân.

Ngoài các lễ vật chính kể trên, thì còn có lễ mặn, hoặc lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng mã) để tiễn Táo Quân.

Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường gồm các thứ sau: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc (hoặc thịt gà), 1 bát canh,1 đĩa rau xào,1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.

Thông thường đồ cúng, đỗ lễ chỉ có trà, bánh, kẹo...với mong muốn Táo quân "ngọt giọng". Có thể không cần thiết làm cả mâm cỗ mặn với đầy đủ các món nói trên. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Thời gian, cách thức cúng ông Táo

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép.

Một số gia đình có thể mua cá chép giấy (đốt cùng vàng mã sau khi cúng), tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong tục cúng ông công ông táo, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO