Phụ nữ đa tài tuổi Hổ

TRẦN THỊ TRƯỜNG 04/02/2022 14:19

Kinh nghiệm dân gian cho rằng, những người tuổi Canh Dần thường cô đơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu họ có cuộc sống đầy đủ về hôn nhân thì họ vẫn cô đơn trong tư duy bởi họ mạnh mẽ, bản lĩnh, giỏi giang, tử tế, cương trực thẳng thắn. Là phụ nữ nhưng lại chèo lái con thuyền gia đình và cuộc sống bản thân. Với quan niệm trên, xin giới thiệu những người tuổi Dần, đứng chữ Canh (1950), năm nay tròn 72 tuổi, còn gọi là năm tuổi, họ đã và đang sống ra sao. 

NSND Thanh Hoa.

1.Thanh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Thanh. Người đoạt giải Nhất giọng hát Họa Mi của thị xã Hà Đông khi mới 9 tuổi. Năm 16 tuổi, Thanh Hoa đã theo học Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp Trung cấp năm 1970.

Cùng với những giọng ca nữ hàng đầu của Âm nhạc Việt Nam, được ngưỡng mộ như NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền… Thanh Hoa được khán giả yêu thích và nhắc đến nhiều nhất với “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu trên dòng sông Quan họ” (Phan Lạc Hoa) và “Làng lúa làng hoa” (Ngọc Khuê)… Giọng hát mượt mà, luyến láy điệu nghệ, âm vực rộng, giàu cảm xúc đã nghe Thanh Hoa hát bài nào khó có thể nghe người khác hát bài đó nữa.

Tốt nghiệp Trung cấp nhưng trình độ âm nhạc của Thanh Hoa còn trên cả Đại học, việc cầm bản ký âm mới hát ngay, hát đúng và hát truyền cảm là việc không phải ca sĩ nào những năm 70 (của thế kỷ trước) đều làm được. Thanh Hoa được nhận về Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam - một nơi khắt khe về chuyên môn. Ngày đó, được hát song ca cũng Thanh Hoa bài “Con kênh ta đào” của Phạm Tuyên trên sóng phát thanh, Ngọc Tân đã rất tự hào...

Sau đó, Thanh Hoa trở thành ca sĩ của Đài phát thanh Giải phóng (CP-90). Nghệ danh Thanh Hoa ra đời trong hoàn cảnh này. (Nghệ sĩ Thanh Hùng và Ngọc Hoa là hai nghệ sĩ cải lương bấy giờ nhận Thanh Hoa làm em nuôi. Những ca sĩ, nhạc sĩ hồi đó phải lấy tên bí danh để gửi vào Nam. Thanh Hoa là ghép tên của hai nghệ sĩ cải lương đó). Bài hát đầu tiên được phát sóng trên đài CP-90 của Thanh Hoa là “Cánh chim mùa xuân” (Huỳnh Thơ) năm 1970.

Khác với những người cùng tuổi Dần thời trẻ thường ra nước ngoài học hành, năm 1975 Thanh Hoa đi phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng tiếng hát của mình. Cuối 1975, Thanh Hoa về lại Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó với đài, tên tuổi của Thanh Hoa vang lên trên sóng suốt những năm đó cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2005).

Có tới 478 bản thu đơn ca và tính cả hợp xướng, lên đến 1.000 bài, Thanh Hoa đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu nhạc. Những ca khúc đã được phát sóng rất nhiều lần và gắn bó với tên tuổi của bà như “Tình yêu của đất và nước” (Hoàng Vân), “Con kênh ta đào”, “Khúc hát ru của người mẹ trẻ” (Phạm Tuyên), “Em chọn lối này” (An Thuyên), “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” (Trần Hoàn), “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Gửi em ở cuối sông hồng”, “Đường tàu mùa xuân” (Phạm Minh Tuấn), “Hãy cho tôi lên đường” (Hoàng Hiệp), “Mùa xuân bên cửa sổ” và “Cô gái vót chông” (Xuân Hồng), “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (An Thuyên), “Em vẫn như ngày xưa” (Trần Tiến), “Em đi chùa Hương” (Nguyễn Nhược Pháp - Trung Đức)… và rất nhiều ca khúc nữa.

“Người đàn bà hát” giàu cảm xúc, giọng hát của Thanh Hoa không phôi pha theo thời gian. Sau khi nghỉ hưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Thanh Hoa không chỉ tiếp tục hát trên sân khấu trong nước, trong phòng các thu mà còn có nhiều chuyến lưu diễn nhiều nơi ở nước ngoài.

Vô cùng năng động, hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ một NSND tại Đài Tiếng nói Việt Nam, từ 1995, Thanh Hoa lập phòng trà Aladin và một công ty biểu diễn nghệ thuật mang tên mình. Năm 2001, bà nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2006 bà tổ chức liveshow kỉ niệm 40 năm ca hát mang tên “Hát... thầm...” và 2019, liveshow kỉ niệm 55 năm ca hát: “Em vẫn như ngày xưa” của Thanh Hoa được khán giả nồng nhiệt đón nhận.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

2.Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là người ra nước ngoài ngay từ khi còn trẻ, bà học điện ảnh ở Nga. Trước đó, năm 15 tuổi Hồng Ngát đã được tuyển vào học tại trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương. Không chỉ là một diễn viên ca nhạc xinh đẹp, chị còn làm biên kịch tại Nhà hát Chèo Trung ương. Với thành tích xuất sắc, Hồng Ngát được học bổng du học tại Liên Xô (cũ), trường không có khoa biên kịch sân khấu, nên Hồng Ngát chuyển sang học Biên kịch điện ảnh, và là người của điện ảnh từ năm 1982.

Sau một năm học tiếng Nga tại Ki-ep, 5 năm học chuyên môn với sự chăm chỉ và thông minh, Hồng Ngát đã tốt nghiệp loại ưu của ngôi trường danh tiếng này. Cả khóa học có 2 kịch bản phim được Hội đồng coi là xuất sắc. Một là của Alecxandre Sebsob (mà chị vẫn gọi là Sasa Seb-sop) được Mosfilm chọn sản xuất và một là của Nguyễn Thị Hồng Ngát được chọn cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Kịch bản có tên gốc là “Sẽ tới một mùa mưa” sau khi lên phim đổi thành “Một thời đã sống” của chị được giới chuyên môn đánh giá tốt.

Về nước, các kịch bản phim truyện điện ảnh đã được làm phim của chị như: “Canh bạc”, “Dã tràng xe cát biển đông”, “Cha tôi và 2 người đàn bà” (dựa trên truyện ngắn “Giải nguyền” của Ma Văn Kháng), “Trăng trên đất khách”, “Nhìn ra biển cả”…

Nếu điện ảnh là nghề được đào tạo thì với thơ Hồng Ngát là người có năng khiếu giống như tiếng hát trời phú của chị. Chị đã từng có 7 tập thơ được xuất bản, trong đó có:” Trái cam vàng”, “Thơm hương mái tóc”, “Nhớ và khát”, “Ngôi nhà sau cơn bão”, “Bài ca số phận”, Buâng khuâng chiều”, “Cỏ thơm mây trắng”…và cuốn tiểu thuyết “Hai lần sống một mình”, một tập truyện ngắn, một tập truyện dài cho thiếu nhi… Khán giả âm nhạc cũng luôn nhớ đến bài hát “Biển đêm” lời Nguyễn Thị Hồng Ngát, Ngọc Tân hát, nhạc Lê Vinh.

Là một tác giả ở 3 lĩnh vực: điện ảnh, thơ và văn xuôi, chị cũng từng là Cục phó Cục Điện ảnh (2001-2006 ) sau 3 năm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam. Quản lý Hãng phim - một đơn vị có đên 150 con người bao gồm cả những tác giả gạo cội, nghệ sĩ tên tuổi và các cán bộ nhân viên vào cái thời bắt đầu thời kinh tế thị trường, là một việc vô cùng khó…

Rất năng động Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng một tay gây dựng sự nghiệp văn chương nghệ thuật, một tay làm kinh tế. Không phải buôn bán gì mà là chăm chỉ “cày cuốc” và biết chi tiêu đúng chỗ, Hồng Ngát đã có trong tay một cơ nghiệp vững vàng. Những đồng tiền chị có được nhờ một thời ở Nga tích cóp để dành, rồi viết kịch bản phim và làm tất cả những gì trong khuôn khổ cho phép của một người viết, chị đã có một cuộc sống rất sung túc trong hàng ngũ những văn nghệ sĩ.

Nhà văn Trần Thị Trường.

3.Lẽ ra tôi không nên viết gì về bản thân, nhưng cũng là tuổi Dần, tôi muốn từ góc nhìn bản thân mình để soi chiếu sâu sắc hơn về những người phụ nữ tuổi Hổ mang chữ Canh. Kinh nghiệm dân gian cho rằng: “Canh cô, Mậu quả”, những người tuổi Canh Dần thường cô đơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu họ có cuộc sống đầy đủ về hôn nhân thì họ vẫn cô đơn trong tư duy bởi họ mạnh mẽ, bản lĩnh, giỏi giang, tử tế, cương trực thẳng thắn. Là đàn bà nhưng lại chèo lái con thuyền gia đình và cuộc sống bản thân.

Những phụ nữ trên, cũng như tôi, ngoài việc xây đắp cho mình một sự nghiệp riêng trong nền văn hóa nghệ thuật chung tất cả đều là người tự xây nhà (hoặc mua nhà) cho mình và gia đình mình. Người tuổi Hổ rất nghị lực, mang chữ Canh đều biết vượt khó vượt khổ, biết các thoát khỏi tình trạng tù túng, trì trệ bằng cách nhân văn, tử tế và tự trọng.

Tuy nhiên, chính những điều đó lại là một điểm yếu vì quan niệm của não trạng xã hội châu Á, của đàn ông nên không phải bao giờ cũng gặp may mắn. Nhưng họ không gục ngã. Và dường như, họ đều là những người đàn bà có nhan sắc tồn tại cùng trí thông minh của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ đa tài tuổi Hổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO