Phú Thọ: Hồi sinh di tích xóm Rền

Ngô Hùng 15/09/2022 18:47

Đầu tháng 7/2022, Báo Đại Đoàn Kết có loạt bài “Trăn trở xóm Rền”, phản ánh về di chỉ khảo cổ Xóm Rền - một Di tích lịch sử Quốc gia chứa đựng nhiều phát lộ quý hiếm về thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên nhưng bị lãng quên, chưa được đầu tư xứng tầm. Ngày 15/9/2022, di tích xóm Rền đã được hồi sinh…

Theo đó, ngày 15/9, huyện Phù Ninh đã tổ chức Lễ khởi công công trình bảo quản cấp thiết Khu di tích khảo cổ xóm Rền, xã Gia Thanh. Dự án với tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng do UBND huyện Phù Ninh làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: Giải phóng mặt bằng trên 460 m2 san nền khu vực bảo vệ hố khai quật, lắp khung kính bảo vệ hố khai quật và bộ di cốt, xây nhà bảo quản, cổng, hàng rào, sân vườn phù hợp với không gian văn hóa của di chỉ. Công trình dự kiến hoàn thành xong trong năm 2022.

Ngày 15/9, huyện Phù Ninh đã tổ chức lễ khởi công công trình bảo quản cấp thiết di tích khảo cổ xóm Rền
Ngày 15/9, huyện Phù Ninh đã tổ chức Lễ khởi công công trình bảo quản cấp thiết di tích khảo cổ xóm Rền.

Trước đó, đầu tháng 7, Báo Đại Đoàn Kết có loạt bài phản ánh về việc di cốt gần như còn nguyên vẹn của một ngôi mộ cổ khi khai quật tại di chỉ xóm Rền (niên đại khoảng 3.500 năm), cách đây 17 năm để rồi... bỏ đó.

Cụ thể, mộ táng này được phát hiện trong lần khai quật thứ 6, được mô tả sâu 1,2 m, chứa di cốt một phụ nữ trẻ, đầu nằm quay hướng đông, bị tiêu mất một phần xương bàn chân, tay bên trái. Đồ tùy táng có chiếc nồi giỏ cua thân hình cầu màu xám kèm văn thừng đập chéo. Khảo cổ cũng xác định đây là di cốt người xóm Rền xưa có niên đại muộn.

Kể từ khi di chỉ xóm Rền được phát hiện cách đây 54 năm bởi GS Hà Văn Tấn và TS Hán Văn Khẩn (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), đến nay đi qua 6 lần khai quật đã thu được 2.794 hiện vật đá, 57 hiện vật gốm, nằm rải rác trong các tầng văn hóa.

Bàn mài, cuốc đá, đục đá, mũi tên, mũi giáo, rìu đá, vòng đá trang sức, hạt chuỗi, vật đeo hình đuôi cá..., mô phỏng nền văn minh có từ rất sớm trước thời kỳ Hùng Vương.

Ngôi mộ cổ có niên đại khoảng 3.500 năm chỉ được che chắn tạm bợ, trải lớp cát mỏng và phủ bạt
Ngôi mộ cổ có niên đại khoảng 3.500 năm chỉ được che chắn tạm bợ, trải lớp cát mỏng và phủ bạt.

Đáng kể nhất trong đó là 5 tiêu bản Nha chương, loại hình di vật vô cùng quý hiếm của văn hóa Phùng Nguyên, thể hiện quyền uy của thủ lĩnh quân đội xa xưa. Những Nha chương này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương và Bảo tàng Phú Thọ.

Năm 2012, Quy hoạch di tích khảo cổ học xóm Rền được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt (Quyết định số 2229/QĐ-UBND), với sự tham gia góp sức rất nghiêm túc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.

Khác biệt so với khu du lịch sinh thái, quy hoạch bảo tồn khảo cổ xóm Rền tuân thủ nguyên tắc hạn chế đào đắp, san gạt mặt bằng, động chạm di vật còn ẩn trong lòng đất, giữ lại yếu tố gốc tự nhiên đặc trưng của vùng trung du với những đầm, ao nước xen kẽ giữa những quả đồi thấp, nơi mà chủ nhân văn hoá Phùng Nguyên đã sinh sống mấy ngàn năm. Đặc biệt, mộ cổ phải được giữ gìn nguyên trạng, coi là linh hồn của di tích.

Di tích xóm Rền phát hiện nhiều hiện vật có giá trị lịch sử
Di tích xóm Rền phát hiện nhiều hiện vật có giá trị lịch sử.

Theo đó, 610 tỷ đồng đầu tư được tỉnh Phú Thọ phê duyệt chia làm 3 giai đoạn. Trên diện rộng hơn 42 ha, giai đoạn 1 (từ 2012 - 2014) sẽ đầu tư xây dựng khu bảo tàng tại chỗ, khu tiếp đoàn và trưng bày cổ vật; giai đoạn 2 (từ 2013 - 2015) là đầu tư xây dựng công trình liên quan đến di tích gồm khôi phục chùa Lọc, xây dựng bãi đỗ xe, chợ quê và khu dịch vụ, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu; giai đoạn 3 (từ 2015 - 2020) sẽ đầu tư xây dựng công trình phát triển du lịch gồm hồ nước, tạo cảnh quan du lịch. Thời gian hoàn thành dự án chậm nhất không quá ngày 31/12/2020.

Nhưng 10 năm qua, dự án vẫn nằm trên giấy. Ngôi mộ có di cốt nói trên mà dân xóm Rền thường gọi “mộ cụ Tổ” đào lên... cũng bỏ đó đã 17 năm. Một mái tôn che chắn tế nguyệt dựng lên bao quanh mộ. Không có bất kỳ hạng mục xây dựng nào xuất hiện nơi đây.

Được biết, Dự án bảo tồn di chỉ khảo cổ Xóm Rền, vì khó khăn nguồn lực mà “nên nỗi lửng lơ”, đã được điều chỉnh cấp thiết vào ngày 27/6/2022 do chủ đầu tư là UBND huyện Phù Ninh phê duyệt.

Theo đó, dự toán sau điều chỉnh xuống chỉ còn 6,9 tỷ đồng, chủ yếu chi phí xây dựng nhằm khẩn cấp bảo tồn “vùng lõi” di chỉ khảo cổ, phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phú Thọ: Hồi sinh di tích xóm Rền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO