Phục hồi nghề dệt thổ cẩm trên dãy Trường Sơn

Tấn Thành - Chung Thành 18/05/2020 08:00

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương ở các xã Trà Mai, Trà Cang thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trên dãy núi Trường Sơn đã và đang được phục hồi, phát triển. Trong đó công lao lớn thuộc về nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa.

Phục hồi nghề dệt thổ cẩm trên dãy Trường Sơn

Bà Trần Thị Kim Hoa hướng dẫn học viên học nghề.

Ở những vùng cao này, do địa hình phức tạp hầu hết đồi núi đất dốc, nhiều thung lũng chằng chịt bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Đất lâm nghiệp chiếm diện tích lớn, đất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ. Người dân ở đây rất cần có thêm nhiều việc làm để phát triển kinh tế.

Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa từng là một công chức xã Trà Cang. Năm 2018, chị xin nghỉ làm việc để dồn tâm sức khôi phục nghề dệt truyền thống của người dân tộc Xê Đăng. Nghệ nhân Hoa đã mở lớp truyền dạy cho hàng trăm học viên. Nhiều người lớn tuổi ở địa phương cho biết: Trước đây, người dân bản địa đã trông bông và dùng trái bông tạo những tơ sợi, từ đó dệt nên những tấm vải thổ cẩm. Màu sắc họa tiết lấy từ củ, lá, quả cây rừng đem giã nhỏ lấy nước nhuộm. Thế nhưng trong chiến tranh những ngôi làng Xê Đăng trên dãy núi Trường Sơn bị đạn cày, bom xới, người dân liên tục tản trú, nên lâu dần nghề mai một. Nghệ nhân Kim Hoa nói: “Mỗi đợt đi tránh bom đạn người dân không mang theo được khung dệt hoặc bị bom đạn thiêu đốt, hay qua thời gian hư hỏng mai một dần. Đến khi đất nước hòa bình, trang phục công nghiệp tràn ngập và bán giá rẻ nên vải thổ cẩm của dân tộc dần biến mất. Đó là nỗi đau không của riêng ai”.

Nói về quyết tâm khôi phục lại nghề dệt truyền thống, nghệ nhân Kim Hoa nói: “Vào những mùa lễ hội hay những sự kiện quan trọng, một số dân tộc khác còn giữ được nghề dệt đã khoác lên người bộ trang phục của dân tộc họ khiến tôi chạnh lòng. Trong khi đó, người dân tộc Xê Đăng lại khoác lên mình nhiều loại trang phục rất lộn xộn. Thế nên khi có chủ trương của lãnh đạo địa phương về khôi phục nghề dệt truyền thống, tôi đã quyết tâm đi học may và khôi phục nghề dệt của địa phương mình”.

Ban đầu, nghệ nhân Kim Hoa học nghề từ mẹ. Rồi sau nhiều tháng mò mẫm nghiên cứu làm khung, tìm nguyên liệu, năm 2015 tự tay nghệ nhân Kim Hoa đã làm ra bộ khung dệt. Sau một tuần mua nguyên liệu về, Kim Hoa đã tự dệt và may một bộ trang phục truyền thống người dân Xê Đăng. Kim Hoa nói: “Tự tay mình dệt, may bộ quàn áo trang phục dân tộc Xê Đăng rồi mặc nó, khiến tôi vô cùng tự hào”.

Nguyên liệu bông trồng từ cây tự nhiên không có, nghệ nhân Kim Hoa phải thay bằng nguyên liệu sợi len công nghiệp. Tuy hoa văn vẫn giữ được nhưng nghệ nhân Kim Hoa mong rằng chính quyền địa phương sớm có chủ trương cho người dân trồng bông làm vùng nguyên liệu.

Hiện tại, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa đã làm được 15 bộ khung dệt và mang đến lớp để truyền nghề. Đến nay, nghệ nhân Kim Hoa đã mở được 7 lớp dạy cho những phụ nữ trong độ tuổi lao động ở xã Trà Cang, Trà Mai với mong muốn bảo tồn gìn giữ phát triển nghề của dân tộc mình. Đồng thời làm ra sản phẩm tăng nguồn thu nhập.

Bước vào Nhà văn hóa thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My chúng tôi ghi nhận có hơn 20 phụ nữ ngồi miệt mài bên khung dệt để học nghề. Lớp học do nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa giảng dạy do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức.

Tới nay, nghề dệt thổ cẩm được nghệ nhân Kim Hoa truyền dạy rộng rãi và nhiều người đã học nghề thành công. Tuy nhiên bà trăn trở, sản phẩm làm ra chưa bán được nhiều.

Ông Nguyễn Văn Bình-Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My cho biết, bà Hoa là nghệ nhân có tay nghề cao, rất tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình và hiện chính quyền địa phương đã liên kết được với một số doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện đang hướng đến xây dựng những làng nghề dệt thổ cẩm tập trung nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Nếu giữ được nghề, phát triển nghề chắc chắn việc phục hồi nghề sẽ thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi nghề dệt thổ cẩm trên dãy Trường Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO