Phục hồi, phát triển sản xuất: Cần thời gian

DUY PHƯƠNG - THÚY HẰNG (thực hiện) 03/09/2021 09:00

Trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, cần phải có một khoảng thời gian dài để có thể mang lại gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - giới chuyên gia kinh tế nhận định như vậy khi đưa ra cái nhìn về bức tranh kinh tế  đất nước ở giai đoạn khó khăn này. Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần xây dựng mô hình “Kinh tế trong dịch bệnh” với những giải pháp dài hơi, để từ đó có thể vực dậy sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, kéo theo sự hồi phục của nền kinh tế.

Nhận diện bức tranh kinh tế

Nền kinh tế đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì dịch bệnh, những nguy cơ về đình trệ sản xuất, đứt gãy cung cầu đã và đang hiện hữu. Ông có thể nói gì về bức tranh nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính): Trong dịch bệnh, bức tranh nền kinh tế nhuốm gam màu ảm đạm. Suốt từ tháng 4/2021 kéo dài đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) kiệt quệ.

Nhiều DN ở một số địa phương duy trì sản xuất kinh doanh với mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Nhưng tôi cho rằng mô hình “3 tại chỗ” dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng đang nảy sinh một số vấn đề bởi DN vốn chỉ chuẩn bị được địa điểm sản xuất, họ không thể có đầy đủ mặt bằng để đảm bảo cho người lao động vừa sinh hoạt vừa làm việc được. Chưa kể khi DN áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, chi phí ăn uống, sinh hoạt… cũng đội lên. Nhiều DN đang buộc phải tính lại bài toán kinh tế.

Cũng may mắn là hiện nay các tỉnh thành phía Bắc đã có những bài học để khống chế dịch tốt hơn, chẳng hạn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, các nhà máy, phân xưởng đã bắt đầu quay lại sản xuất từ tháng 6. Hà Nội về cơ bản sản xuất kinh doanh có thể chậm nhưng vẫn được duy trì. Điều đáng lo là dịch ảnh hưởng quá nặng nề tới các tỉnh phía Nam trong đó nặng nhất là Bình Dương và TPHCM.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế cũng có những điểm sáng nhất định. Đó là một số địa phương đã khắc phục nhanh, sản xuất kinh doanh ổn định. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, một số ngành kinh tế trụ cột vẫn tăng trưởng dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 vẫn tăng 1,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng chỉ số này tăng tới 7,9%.

Ông Mạc Quốc Anh.

Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh: Đợt dịch từ tháng 4/2021 đến thời điểm hiện tại là rất khắc nghiệt, DN gần như không chịu được nữa. Sản xuất và kinh doanh - tiêu thụ là một chuỗi liên kết. Một trong 3 mắt xích gặp khó là toàn bộ chuỗi lao đao. Thực sự cộng đồng DN đang rất khó khăn, mà bản chất ở đây là do hàng không bán được. Hàng không bán được thì DN không có doanh thu, vậy làm gì có tiền để trả lương, để mua nguyên vật liệu tái sản xuất...

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Hoạt động của cộng đồng DN có thể chia hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của 3 đợt dịch đầu tiên, từ năm 2020 đến hết quý I của 2021, bức tranh chung là: Công tác phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội diễn ra trong thời gian ngắn, nền kinh tế, hầu hết DN mới xác định khó khăn trong ngắn hạn, đại bộ phận cố gắng tìm cách vượt qua giai đoạn “bật - tắt” của nền kinh tế. Dịch Covid-19 trong 3 làn sóng đầu tiên chỉ xảy ra ở một số địa phương, thiệt hại số ca nhiễm cũng không nhiều, các biện pháp chống dịch cũng mang tính cục bộ, nên có thể thấy khó khăn của DN ở diện khá hẹp. Do đó, DN cũng đã tìm nhiều cách khác nhau có thể duy trì. Trong suốt giai đoạn đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan. Các DN xuất khẩu khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, kể cả chỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế, nên thậm chí Việt Nam còn là được coi là điểm kết nối chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, sang đến làn sóng thứ 4, cục diện đã thay đổi. Đây chính là giai đoạn hai, giai đoạn kéo dài thời gian “tắt” của nền kinh tế, kéo dài suốt từ đầu quý II (tháng 4/2021) đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “bật”.

Mức độ phức tạp trong làn sóng dịch lần này ở chỗ, về phạm vi, dịch bệnh lan rộng khắp cả nước, mức độ ảnh hưởng rộng, “đánh” mạnh vào các trung tâm kinh tế, trung tâm sản xuất công nghiệp như TPHCM, Bình Dương... và thực tế đã xảy ra tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất. Và khác với 3 đợt trước, lần này ngay cả các DN khỏe cũng khó trụ được.

Gỡ nút thắt để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ

Dịch bệnh kéo dài, gây ra nhiều khó khăn. Theo các vị chuyên gia, hiệu quả của những giải pháp mà nhà quản lý đưa ra thời gian qua đã và đang phát huy ra sao?

Ông Vũ Đình Ánh.

Ông Vũ Đình Ánh: Các gói hỗ trợ đưa ra thời gian qua là kịp thời, song cũng còn nhiều điểm nghẽn khiến DN vẫn khó tiếp cận. Trong các giải pháp, tôi muốn phân tích kỹ hơn biện pháp “3 tại chỗ” mà nhà quản lý đưa ra trong đợt giãn cách này.Tôi cho rằng, giải pháp của nhà quản lý, mặt tích cực là hạn tiếp xúc, thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, hạn chế di chuyển, giảm thấp nhất nguy cơ lây lan dịch. Tuy nhiên, phân tích từ góc độ 5K thì trong 5K hoàn toàn không hạn chế di chuyển, mà chỉ hạn chế tập trung đông người. Do đó đã nảy sinh mâu thuẫn chính trong mô hình mà nhà quản lý đang áp dụng đối với các DN là thực hiện giãn cách với biện pháp “3 tại chỗ”, “2 địa điểm, 1 cung đường” là tập trung vào việc hạn chế sự di chuyển của người lao động, dẫn đến khó khăn. Bởi tập trung như vậy nếu một người bị nhiễm là kéo theo cả DN bị nhiễm. Thứ hai, chi phí để thực hiện các biện pháp đó khiến DN bị tăng chi phí, DN đã khó lại càng khó hơn. Do đó, các biện pháp đưa ra cần phải có sự tính toán, cân nhắc thật kỹ để làm sao hài hòa lợi ích DN, linh hoạt để tạo điều kiện vừa chống dịch, vừa phục hồi sản xuất, không đẩy DN vào thế khó hơn.

Ông Mạc Quốc Anh: Tôi cũng cho rằng, việc đưa ra một gói hỗ trợ cho tất cả các DN dường như chưa sát với thực tế. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm rất khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. Các văn bản sửa đổi và hướng dẫn chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành có thể coi là đòn bẩy giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tiến độ tiếp cận cần phải được đẩy nhanh hơn, dễ dàng hơn với DN nhỏ và vừa. Nhìn lại gói hỗ trợ lần thứ nhất, các thủ tục thực hiện để hưởng ưu đãi mất tới 45 ngày, thậm chí 3 tháng mới nhận được hỗ trợ.

Theo tôi cần thành lập “Tổ công tác vaccine DN” ở cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, thành nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN và nền kinh tế. Để có thể tạo được nguồn lực vaccine nhanh nhất, sớm nhất ưu tiên cho người lao động ở các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, các chính sách chế độ được áp dụng thời đại 4.0 thì các giấy tờ, thủ tục cần phải số hoá, đưa lên mạng hết để DN có thể tự đánh giá xem có đủ điều kiện tiếp cận hay không. Như vậy sẽ giảm chi phí đi lại trong bối cảnh dịch dã căng thẳng. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần nghiên cứu cải cách hành chính, số hoá đến từng chi tiết để người dân được tiếp cận dễ dàng”.

Ông Đinh Trọng Thịnh: Hiện nay Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cả Chính phủ quan tâm đặc biệt đến các giải pháp để nền kinh tế vượt qua đại dịch, giúp DN tồn tại phục hồi trong điều kiện khó khăn.

Chính phủ cũng đã tạo điều kiện hết sức cho DN để cho DN linh hoạt với mô hình sản xuất “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ giúp DN tiếp cận được nguồn hàng vật tư y tế phòng chống dịch giúp tiết kiệm chi phí. Hay như các gói hỗ trợ thuế, phí, giãn hoãn nợ… là những biện pháp kịp thời để hỗ trợ DN.

Song, như chúng ta cũng đã thấy, điều quan trọng nhất là việc chuyển biến từ cơ chế chính sách vào hoạt động thực tiễn vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn như gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người gặp khó khăn trong đại dịch, dù nhà quản lý đã có động thái giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính nhưng không phải ai cũng tiếp cận được. Điều này cần phải điều chỉnh.

Cần nhiều nỗ lực để trụ vững

Thưa các chuyên gia, các vị đánh giá ra sao về những nỗ lực của cộng đồng DN, nhà quản lý trong việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian vừa qua?

Ông Mạc Quốc Anh: Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, hỗ trợ DN, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội. Các DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy.

Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm. Đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ trong thời gian vừa qua.

Tôi muốn nhấn mạnh, bế tắc nhất hiện nay của DN chính là khâu tiêu thụ hàng hóa. Tôi lấy ví dụ, ở một quận có khoảng 23 phường. Cứ lấy con số giả dụ 1/3 số phường có ca nhiễm Covid -19, 2/3 số phường còn lại là an toàn. Vậy thì điều cần phải làm chính là tìm giải pháp tiêu thụ lưu thông hàng hoá tại 2/3 số phường còn lại này.

DN muốn tồn tại, muốn vượt khó, và điểm quan trọng để giúp họ tồn tại chính là tiêu thụ được sản phẩm. DN cũng muốn vay tiền ngân hàng để duy trì hoạt động nhưng ngân hàng phải nhìn vào dòng tiền DN mới cho vay. Không lưu thông hàng hoá, thì không có dòng tiền trả nợ ngân hàng, chẳng ai cho vay cả. Đây chính là cái vòng luẩn quẩn của chúng ta hiện nay.

Doanh nghiệp duy trì sản xuất, chống chịu trước tác động xấu của dịch Covid-19 kéo dài.

Ông Vũ Đình Ánh: Thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự nỗ lực thực sự của cộng đồng DN. Một phần cũng liên quan đến bản chất của DN, bởi một bộ máy hoạt động liên tục không thể thích dừng lúc nào là dừng. Nên việc các DN cố gắng vận hành hoạt động, xuất phát từ bản chất của họ, họ quyết tâm, số DN không quyết tâm hoặc không thể trụ vững được nữa thì rơi vào con số 8 vạn DN tạm dừng hoạt động trong 7 tháng qua.

Bản chất của doanh nhân Việt Nam có ý thức rất tốt về cộng đồng, trách nhiệm xã hội, duy trì công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Chúng ta đã chứng kiến các DN chịu tăng chi phí để duy trì, để bám trụ. Các gói hỗ trợ dù nhiều DN chưa thể tiếp cận nhưng họ vẫn đang hết sức cố gắng.

Tôi cho là các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ mang tính ngắn hạn, là “thang thuốc bổ” thêm, song quan trọng nhất là thể trạng của DN. DN phải có sức bền, nền tảng tốt thì mới có thể chống chọi được. Qua 3 đợt dịch đầu tiên, chúng ta đều chứng kiến các biện pháp hỗ trợ đều dựa trên giả định dịch bệnh chỉ gây ra trong thời gian ngắn, do đó chỉ “đúng và trúng” trong 3 đợt đầu tiên.

Đợt thứ 4 biến số dịch bệnh khác hẳn so với các đợt đầu, bởi vậy các biện pháp đưa ra cần phải được lựa chọn dựa trên các thông số: dịch kéo dài, bùng phát diện rộng, tác động nặng nề, những thông số này ở ba đợt đầu là không tồn tại. Chính bởi vậy, trong đợt dịch thứ 4 này, DN “ngấm đòn” và nhà quản lý cần phải xây dựng lại các giải pháp mang tính dài hơi.

Khả năng phục hồi của nền kinh tế

Vậy, các ông có thể đưa ra những dự báo về khả năng phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới?

Ông Vũ Đình Ánh: Rất khó dự đoán trước tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng như hiện nay. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, các kịch bản kinh tế cần phải xây dựng mang tính chất dài hơi, thay vì ngắn hạn như các đợt dịch trước kia. Bởi dịch bệnh chưa biết khi nào mới có thể kiểm soát hoàn toàn. Cá nhân tôi cho rằng, rất cần xây dựng mô hình “Kinh tế trong dịch bệnh” với các giải pháp căn cơ, có tính toán cụ thể từng khía cạnh, chứ không thể bàn sau dịch bệnh, hiện tại chúng ta vẫn đang bàn sau dịch bệnh.

Ông Đinh Trọng Thịnh: Nếu như đại dịch Covid – 19 có thể kiềm chế, số ca nhiễm giảm đi trong một tháng tới tại các thành phố lớn và trên cả nước thì chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng từ 6% hoặc trên 6% một chút. Còn nếu dịch kéo dài hơn thì mức tăng trưởng chỉ từ 6% trở lại. Sẽ cần một thời gian rất dài cho kỳ vọng một bức tranh kinh tế phủ gam màu sáng.

Ông Mạc Quốc Anh: Diễn biến dịch bệnh còn hết sức phức tạp. Tôi chỉ kỳ vọng khi độ phủ vaccine tăng lên, đại dịch lúc đó mới hy vọng được kiểm soát tốt hơn, khi đó, nhu cầu về sản xuất lại tăng lên mặc dù sẽ chậm hơn so với thời điểm trước dịch bệnh. Những DN đã tham gia và đảm bảo được tiêu chuẩn đặt ra trong chuỗi cung ứng quốc tế vẫn sẽ có được đơn hàng của đối tác. Dự báo cuối năm 2021, DN vẫn còn khó khăn rất nhiều.

Phải xác định rõ, khi dịch được kiểm soát thì nguồn lực DN cũng suy yếu. Trong khi đó để xây dựng được một nhà máy sản xuất thì các bước thuê đất, tuyển lao động, … mất rất nhiều thời gian. Điều mà nền kinh tế cần là phải có nhiều DN sản xuất, như vậy tăng trưởng mới bền vững được. Điều này chỉ có được khi dịch được khống chế.

Trân trọng cảm ơn các vị chuyên gia!

Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, Chính phủ thống nhất đánh giá:

Trong tháng 7, mặc dù đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn đã bùng phát tại nhiều địa phương, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội và sức khỏe, tính mạng của nhiều người dân, nhưng với quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng DN, nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển và đạt những kết quả quan trọng.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 68% dự toán năm, tăng 15,6%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực. Dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phục vụ công tác phòng, chống dịch được đẩy mạnh.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 7,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi; an ninh lương thực được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đạt trên 373 tỷ USD, tăng 30,2%; xuất khẩu đạt trên 185 tỷ USD, tăng 25,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 7 tháng đạt 16,72 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%. Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về khả năng phục hồi kinh tế, tính cạnh tranh, sự hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi, phát triển sản xuất: Cần thời gian

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO