Phục hồi từng bước, du lịch tinh tế

Điền Bắc 25/12/2021 14:36

Sáng ngày 25/12, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Quốc Hội và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam – Phụ hồi và phát triển”, nhằm mục đích trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu Covid-19”. Tham dự Hội thảo có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội.

Thế giới "mất" 4,7 ngàn tỷ đô la

Trong 2 năm qua, trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự buổi hội thảo (Ảnh: Điền Bắc).

Đặc biệt, năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong cả nước, chưa đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động.

Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Đơn cử như tại TP Đà Nẵng, trong gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, địa phương này đã có 90% doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động với khoảng 42.000 lao động trực tiếp (tương đương 80%) lao động gián tiếp đã và đang thất nghiệp. Nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm 64,3% cơ cấu kinh tế của thành phố liên tục sụt giảm với mức tăng trưởng âm.

Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã có hàng trăm doanh nghiệp du lịch, lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đã phải xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành.

Trong khi đó, bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cũng đánh giá, chính đại dịch Covid-19 đã làm “sụp đổ” ngành du lịch thế giới.

Chứng minh cho điều này, bà Julia Simpson cho biết, ngành du lịch thế giới đóng góp hơn 10,4% giá trị kinh tế toàn cầu, tương đương 9,17 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, sau 2 năm, qua khảo sát trên 200 quốc gia, giá trị kinh tế đóng góp cho toàn cầu của ngành du lịch đã giảm một nửa, tức giảm hơn 4.000 tỷ USD. “Không những vậy, đại dịch Covid-19 cũng đã làm cho hơn 62 triệu người lao động mất việc làm”, bà Julia Simpson cho biết thêm.

Vaccine và du lịch an toàn

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều cho rằng, muốn đưa du lịch trở lại, hút khách quốc tế, về trước mắt vẫn phải là chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Đây được xem là cốt lõi để du lịch cũng trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Đó cũng là trọng tâm mà Chính phủ đã xác định nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’.

Về vấn đề này, bà Julia Simpson đã đưa ra 5 giải pháp, trong đó giải pháp thứ 5 bà cho rằng, rất quan trọng chính là công bằng về vaccine. “Chúng ta vẫn còn 4 tỷ người trên toàn thế giới chưa có cơ hội tiêm vaccine, và cho đến khi tất cả chúng ta đều được tiêm phòng, chưa ai trong chúng ta được tiêm phòng một cách đúng đắn. Vì vậy, chúng tôi đã tham gia cùng với COVAX - một tổ chức của Liên hợp quốc trong UNICEF, để đảm bảo chúng ta có thể tiêm phòng cho toàn thế giới nhanh hơn thời gian 5 năm mà chúng ta đang dự kiến”, bà Julia Simpson nhấn mạnh.

Bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho rằng, muốn mở cửa một trong những giải pháp là "công bằng về vaccine.

Điều này cũng được ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh, theo ông Việt, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, tại Việt Nam, cùng với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai, vẫn phải lưu ý đến vấn đề chênh lệch lớn độ bao phủ vaccine giữa các địa phương, cũng như sự chưa thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa các địa phương.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên giao cao cấp (Ngân hàng BIDV) cũng cho rằng, triển khai chứng nhận hộ chiếu vaccine là chìa khóa để đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc chứng nhận vaccine sẽ đem đến cho mọi người tham gia các hoạt động cộng đồng, từ đó giúp các điểm du lịch trở nên an toàn, sôi động trở lại.

Tại hội thảo, các địa phương cũng đã có những trao đổi về việc mở cửa du lịch. Ông Trịnh Cao Khải, Chủ tịch UBND TP Quảng Nam cho rằng: Trước tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, do đó cần phải lựa chọn, thúc đẩy hợp tác trong nước và giữa các quốc gia về bong bóng du lịch song phương. Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh Bình Định cho rằng: Cho phép các địa phương chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch đối với vùng an toàn để thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế theo các mô hình du lịch an toàn. Đó cũng là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel mong muốn, nhanh chóng triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi từng bước, du lịch tinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO