Quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong dịch Covid thay đổi như thế nào?

An Chi 18/06/2021 14:14

Trong bài phát biểu đối thoại tại Hội nghị Đối thoại chiến lược giáo dục lần thứ 5 (SDEM 5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh về mối quan hệ nhân văn tốt đẹp giữa học sinh và giáo viên, tương tác giữa giáo viên với gia đình và cộng đồng trong đại dịch Covid.  

Năm nay, thầy và trò nhiều nơi trên cả nước đang có những trải nghiệm thật đặc biệt. Bằng nỗ lực và hành động của mình, giáo viên đang giúp đỡ cha mẹ học sinh, giúp cho việc học trực tuyến không còn là trở ngại đối với các em. Sau những giờ học, ngoài việc nhắc nhở các em ôn luyện, xem lại các dạng bài tập đã học các giáo viên luôn thay mặt cha mẹ gửi đến các học sinh lời nhắn nhủ bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch.

Từ mối quan hệ nhân văn tốt đẹp giữa học sinh và giáo viên, tương tác giữa giáo viên với gia đình và cộng đồng, Bộ trưởng cho biết, cần trang bị đầy đủ cho giáo viên những năng lực cần thiết, trong đó có năng lực số để phát triển hoạt động đào tạo. Cần thiết phải hỗ trợ giáo viên để họ dễ dàng thích nghi với các thay đổi trong môi trường giáo dục mới.

Theo đó, một ưu tiên chiến lược khác của giáo dục Việt Nam được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập trong bài phát biểu, đó là xây dựng các nền tảng hỗ trợ học tập tại nhà, học tập từ xa, hệ sinh thái học tập thích ứng kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, sẽ thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng trí tuệ nhân tạo và những công nghệ mới nhất vào giáo dục, đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa các bộ ngành và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

“Chúng tôi hướng đến tiếp cận mang tính tổng thể. Triển khai xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt với mô hình công dân học tập. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và có sự tham gia phối hợp của nhà trường - gia đình - xã hội. Xây dựng chính sách và hành động phối hợp của các bộ ngành”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những tác động của đại dịch Covid-19 tới giáo dục Việt Nam và những thay đổi để thích ứng, trong đó chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học” đã được thực hiện hiệu quả thông qua các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

“Năm học 2020-2021 là năm nhà trường, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đã dần thích nghi với việc dạy và học theo trạng thái mới. Đây cũng là lúc chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học”, Bộ trưởng cho hay.

Chia sẻ kỹ hơn về chương trình phổ thông mới đang được thực hiện tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết: Chương trình hướng tới phát triển 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm) và những năng lực cốt lõi như: tự học và tự chủ; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo... Chương trình cũng chú trọng trang bị toàn diện cho học sinh năng lực nhận thức, cảm xúc xã hội, khát vọng cống hiến cho cộng đồng và khả năng để làm một công dân toàn cầu tốt.

Để hỗ trợ công tác giáo dục cho các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020. Khi học sinh quay trở lại trường, ngành giáo dục đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho trường học.

Đảm bảo tiến độ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong mùa dịch

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông vẫn không ngưng trệ. Được biết, từ 3 năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai mô hình bồi dưỡng mới thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) với phương thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, đội ngũ giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thời gian qua đã bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, có nhiều điểm mới: Mô hình bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến; tổ chức bồi dưỡng có sự tham gia sâu, hiệu quả của các trường ĐH sư phạm chủ chốt và học viện quản lý giáo dục, giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt; Chương trình bồi dưỡng cũng có đội ngũ cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp chứ không phải là dạy lại; Chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng của giáo viên, lấy động lực học tập từ bên trong; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức sinh hoạt tổ chuyên môn, hỗ trợ tập huấn đại trà thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn, trong đó giáo viên cốt cán hỗ trợ, trả lời những thắc mắc của giáo viên đại trà.

Theo mô hình bồi dưỡng mới, chỉ có giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến với công thức 5-3-7. Nghĩa là học viên có 5 ngày nghiên cứu tài liệu, sau đó có 3 ngày tập huấn trực tiếp bởi giảng viên của các trường ĐH sư phạm và học viện quản lý giáo dục tham gia ETEP. Sau đó, giáo viên sẽ có 7 ngày tự nghiên cứu và làm bài kiểm tra đánh giá.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, năm học 2021 - 2022 sẽ bắt đầu triển khai chương trình mới với lớp 6. So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn. Ngoài các môn học mới, đầu vào của học sinh lớp 6 năm tới không được học trọn Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc tiểu học. Giáo viên giảng dạy lớp 6 phải hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn. Vì thế, các địa phương cần tăng tốc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý để thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong dịch Covid thay đổi như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO