Quan hệ Nga – Đức: ‘Chúng tôi cần nhau’

Hà Anh (tổng hợp) 23/10/2020 16:37

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cho rằng, Nga và Đức đoàn kết với nhau bởi các lợi ích chung, trong đó Đức là đối tác kinh tế và thương mại lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc.

Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Channel One’s Great Game, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ không dung thứ cho hành vi thù ghét của phương Tây và thất vọng với phản ứng của Đức trước tình hình phức tạp hiện nay trong quan hệ hai nước, nhưng sẽ tiếp tục làm rõ lập trường của mình.

Đặc biệt, khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, vốn được một số hãng truyền thông giải thích là tuyên bố về khả năng ngừng đối thoại với Liên minh châu Âu, ông Peskov cho biết: "Tất nhiên, không ai muốn dung thứ cho sự thù ghét và đó chính xác là những gì ông Sergey Lavrov đang nói tới, nhưng song hành với điều này, Moscow quyết tâm tiếp tục làm sáng tỏ lập trường của mình".

Ông Peskov thừa nhận rằng "có những phức tạp nhất định" trong quan hệ Nga – Đức.

"Có một “chất kích thích” nhất định, nhưng chúng tôi vẫn cần phải làm việc cùng nhau để loại bỏ “chất kích thích” đó”, ông Peskov nói.

Ông Peskov không quên dẫn chứng khi nhắc lại nhận xét của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Nga và Đức đoàn kết với nhau bởi các lợi ích và dự án chung, trong đó Đức là đối tác kinh tế và thương mại lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc.

"Chúng tôi cần nhau", ông Peskov nói và thêm rằng, Nga sẽ tiếp tục giải thích một cách nhất quán và kiên nhẫn bảo vệ lập trường của mình với các đối tác.

Quan hệ Nga - Đức đã diễn biến phức tạp khi Berlin cho rằng Moscow có liên quan tới việc nhà lãnh đạo đối lập Nga, Alexei Nalvany, “bị nghi đầu độc” bằng chất độc thần kinh Novichok, tương tự như vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại London năm 2018.

Phía Nga vẫn luôn phủ nhận cáo buộc này và mong Berlin sẽ cung cấp tất cả dữ liệu nước này có được, bao gồm kết quả xét nghiệm do Viện Dược lý và Độc chất của quân đội Đức tiến hành, cũng như ‘bằng chứng’ mà Bộ Ngoại giao Đức sở hữu.

Trong khi đó, Berlin không loại trừ khả năng từ bỏ đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic và kiên quyết đưa ra các biện pháp trừng phạt của châu Âu nếu Moscow không điều tra vụ đầu độc ông Navalny.

Đối với Đức, việc ngừng xây dựng Nord Stream 2 có thể trở thành một trong những quyết định chính sách đối ngoại đắt giá nhất trong lịch sử nước này. Các công ty bị ảnh hưởng sẽ yêu cầu bồi thường cho các khoản đầu tư của họ vào dự án.

Duy trì lợi ích trong hợp tác với Nga mà không làm tổn hại đến hình ảnh đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ là bài toán khó dành cho Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thời điểm hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ Nga – Đức: ‘Chúng tôi cần nhau’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO