Quản lý an toàn thức ăn: 'Chặt' cho vật nuôi, 'lỏng' cho người, được sao?

Trần Ngọc Kha 16/08/2017 08:00

Gần đây, Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP) kiến nghị với cơ quan chức năng bỏ việc đăng kí bản công bố chất lượng, an toàn thực phẩm trước khi thực phẩm lưu thông ra thị trường, giống các nước phát triển trên thế giới như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore… Điều này đồng nghĩa với việc đề nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/4/2012 về công bố phù hợp về ATTP.

Theo họ, lý do của kiến nghị này là: “Luật ATTP không quy định, đang gây khó khăn cho DN khi mất thời gian tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Như vậy, một vấn đề đặt ra là: Có cần tiếp tục duy trì việc tiền kiểm (buộc các DN trước khi đưa thực phẩm chế biến sẵn ra thị trường phải đăng ký bản công bố chất lượng an toàn với cơ quan quản lý đồng thời với hậu kiểm (các cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm trong quá trình kinh doanh) để giám sát chất lượng hay cho phép DN tự công bố chất lượng (không tiền kiểm) để rồi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng mới định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu giám sát (hậu kiểm)?

Như chúng ta đã biết, qua đợt giám sát tối cao về thực thi chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, Quốc hội đã chỉ rõ: Tình hình vi phạm ATTP ở một số nơi đã đến mức báo động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân cũng như một số DN sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm túc.

Ở các nước phát triển, người dân đi xe bus, đi xe điện không thấy có nhân viên soát vé và hầu như không có chuyện trốn vé, không có tình trạng bơm tạp chất vào tôm hay chuyện dùng Tinopal để làm trắng bún, không có chuyện người dân trồng rau 2 luống, 1 luống để ăn, 1 để bán, nuôi lợn 2 chuồng, 1 chuồng nuôi để ăn còn chuồng kia để bán.

Lực lượng thanh tra ATTP của họ rất hùng hậu (ví dụ như ở Nhật Bản hiện có đến hơn 12.000 thanh tra viên ATTP). Kinh phí của họ dành cho việc hậu kiểm, mua mẫu xét nghiệm rất lớn.

Trong khi đó, cả ngành y tế nước ta chỉ vẻn vẹn có khoảng 400 cán bộ thanh tra viên ATTP. Đã vậy, thực tế, sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Như vậy, trong việc này, liệu ta có “bì” với họ được không?

Hãy nhìn sang các nước bên cạnh trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Indonesia… (trừ Singapore và Malaysia), kể cả Trung Quốc cũng vậy, họ đang áp dụng cách quản lý như ta, buộc các DN phải ghi rõ số giấy phép sản xuất lên từng sản phẩm.

Chúng ta chủ trương tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực đổi mới, minh bạch hóa các thủ tục và quy trình xét duyệt nước khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối 1 cửa quốc gia… Nhưng, điều đó không có nghĩa sẽ bỏ quy định nói trên của pháp luật. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho DN, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là vấn đề ATTP.

Theo Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4/4/2017 về Quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, DN phải đăng ký lưu hành sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền của Bộ NN&PTNT và phải được cấp văn bản chấp thuận đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, DN phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Bộ NN&PTNT.

Thậm chí đối với loại thức ăn mới còn, Nghị định này còn yêu cầu phải thành lập Hội đồng khoa học để khảo nghiệm. Chỉ khi được Hội đồng khoa học cho ý kiến mới được phép lưu hành. Nói tóm lại, thức ăn cho chăn gia súc, thủy hải sản nuôi đang được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ, còn thực phẩm cho người để DN tự công bố như kiến nghị của VASEP thì xin hỏi: Liệu có phù hợp không?

Rõ ràng việc công bố sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước trước khi thực phẩm lưu thông trên thị trường vẫn là việc rất cần phải duy trì trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Đây phải được hiểu là động thái vì người tiêu dùng, vì thương hiệu sản phẩm quốc gia chứ không phải bộ, ngành nào còn tiếp tục đeo bám cơ chế xin - cho, cố kết duy trì giấy phép “con” nào gây phiển nhiễu DN khi thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách hành chính triệt để hơn trên cơ sở giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường khâu hậu kiểm khi thực phẩm lưu thông trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý an toàn thức ăn: 'Chặt' cho vật nuôi, 'lỏng' cho người, được sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO