Quản lý an toàn thực phẩm: Còn chồng chéo, còn bẩn

Nhật Minh 25/05/2016 13:25

Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý đã tăng cường kiểm soát, mạnh tay trong việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm… thế nhưng, thực phẩm bẩn có đất sống. Từ 1/7 tới đây, các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hình sự, cao nhất tới 20 năm tù. Liệu động thái tăng chế tài xử phạt có đủ sức răn đe?

Quản lý an toàn thực phẩm: Còn chồng chéo, còn bẩn

Chồng chéo trong quản lý thực phẩm, người tiêu dùng thiệt hại.

Lật tẩy hàng loạt vụ thực phẩm bẩn

Thanh tra Bộ Y tế mới đây đã yêu cầu Công ty TNHH URC Hà Nội dừng việc lưu thông 3 lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ của Công ty (từ ngày 20-5), với lý do hàm lượng chì vượt quá tiêu chuẩn công bố áp dụng. Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu Công ty này thu hồi, bảo quản các lô hàng không đạt chuẩn nói trên để chờ xử lý bước tiếp theo, theo quy định của pháp luật.

Đây chỉ là một trong vô số các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, hàng loạt các sự vụ liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn bị phanh phui, như thịt gà nhuộm hóa chất, chất nhuộm vải công nghiệp dùng để nhuộm ruốc tôm, thịt heo được “phù phép” thành thịt bò… Và lùi về xa hơn, trong năm 2015, hàng loạt vụ thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường bị lật tẩy điển hình như vụ việc người dân dùng hóa chất biến nầm heo thối thành nầm dê tươi; thịt bò khô làm từ phổi heo trộn hóa chất; chà bông làm từ thịt gà thối… khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Quay trở lại với vụ việc nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, những lô hàng của Công ty được thanh tra Bộ Y tế phát hiện và công bố công khai việc ngừng lưu thông chỉ là một phần nhỏ trong số nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ ra ngoài thị trường. Vậy, những sản phẩm người tiêu dùng đã sử dụng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây?

Còn nữa, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Chi cục Thú y TP HCM phát hiện chất tạo nạc salbutamol trong 80 con heo được đưa từ Đồng Nai về giết mổ tại thành phố. Điều đáng nói ở đây, số heo này lại có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGap (?). Liên tiếp các sự việc liên quan đến thực phẩm không an toàn cho thấy sự lỏng lẻo trong vấn đề quản lý hiện nay tiếp tục tạo ra những kẽ hở lớn để các đối tượng dễ dàng tuồn thực phẩm bẩn vào thị trường.

Ai chịu trách nhiệm?

Giới chuyên gia trong ngành không ít lần đã nêu lên thực tế rằng, nếu vẫn còn tình trạng chồng chéo “Ba bộ cùng quản một chiếc bánh” thì chắc chắn vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Một chiếc bánh mà vỏ một bộ quản, nhân bánh lại do bộ khác quản, rồi đến khi đóng gói tiêu thụ lại là một bộ khác quản lý. Bởi thế cho nên, đến khi phát hiện ra những vấn đề vi phạm về an toàn thực phẩm, lại chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Bộ nào cũng cho rằng đó không phải lỗi của mình. Cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt.

Để kiểm soát thực phẩm bẩn, siết chặt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, kể từ 1-7 tới đây, các hành vi vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù với mức phạt tối đa lên tới 20 năm. Việc nhà quản lý đưa các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm vào vào xử lý hình sự đang được dư luận xã hội hết sức ủng hộ.

Theo TS Lê Đức Thịnh- Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tăng chế tài xử phạt trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn là rất cần thiết. “Đã đến lúc, những hành vi gian dối, cố tình sản xuất ra các thực phẩm không an toàn làm phương hại đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng cần phải được phấp luật xử lý nghiêm minh” - TS Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn còn kiểu quản lý chồng chéo như hiện nay thì kể cả tăng chế tài xử phạt cũng không thể bịt được những kẽ hở do chính sự quản lý lộn xộn của cơ quan chức năng tạo ra. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc chấm dứt tình trạng cả 3 bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng quản lý vấn đề an toàn thực phẩm.

Cần thống nhất một đầu mối chủ trì điều hành và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Nếu không, vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ không thể được “điều trị” dứt điểm. Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng: “Một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra tràn lan là vì không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý an toàn thực phẩm: Còn chồng chéo, còn bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO