Quản lý, bảo tồn biệt thự cổ

Lê Anh 27/10/2016 09:00

TP HCM từng có khoảng 1.300 căn biệt thự cổ có giá trị bảo tồn được xây dựng từ trước năm 1975, tuy nhiên đến nay có đến phân nửa số biệt thự đã được tháo dỡ do xuống cấp hoặc được xây mới bởi nhiều lý do. Thực trạng trên đặt ra các vấn đề về công tác bảo tồn biệt thự cổ trên địa bàn thành phố.

Một biệt thự cổ nằm trong khu tứ giác đắc địa Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm -
|Calmette và Nguyễn Thái Bình tại Q.1, TP HCM.

Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Xây dựng TP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để khảo sát, thống kê các biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1975 cho đến nay trên địa bàn thành phố và báo cáo kết quả khảo sát cho UBND TP.

Hiện nay Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM là đơn vị được giao thành lập Hội đồng phân loại biệt thự trên địa bàn thành phố. UBND TP cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển TP hoàn chỉnh tiêu chí phân loại biệt thự cổ để xem xét cấp phép sửa chữa cho người dân có nhu cầu.

Mới đây, Viện này cũng đã sớm trình dự thảo “Tiêu chí phân loại biệt thự cũ”, sau đó được UBND TP chỉ đạo các quận, huyện thực hiện phân loại theo các tiêu chí được nêu ra.

Cụ thể, việc xác định các biệt thự thuộc diện bảo tồn (nhóm 1 và 2) và các công trình không thuộc diện bảo tồn đã được phân loại theo các tiêu chí cụ thể. Từ việc phân loại này, thành phố có cơ sở chỉ đạo các quận, huyện sớm giải quyết được các vướng mắc lâu nay liên quan đến việc phê duyệt cho tháo dỡ các nhà cổ đã xuống cấp, đồng thời cấp giấy phép xây dựng mới cho người dân trên nền các biệt thự cũ.

Tuy nhiên, để đảm bảo các “Tiêu chí đánh giá phân loại biệt thự cũ” được chặt chẽ và phù hợp quy hoạch bảo tồn của thành phố, UBND TP cũng giao các Sở ngành chuyên môn tham gia ý kiến hoàn chỉnh cho dự thảo và hoàn chỉnh, trình UBND TP xem xét phê duyệt trước ngày 10/11.

Quan điểm của UBND TP là cần phải có tiêu chí cụ thể phân loại và quản lý các biệt thự cổ để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân (sở hữu biệt thự cổ) và phục vụ công tác bảo tồn của thành phố. Trong trường hợp các chủ sở hữu biệt thự có nhu cầu tháo dỡ hay xây dựng mới thì phải có văn bản xin phép UBND các quận, huyện.

Cuộc khảo sát gần nhất về thực trạng bảo tồn biệt thự cổ trên địa bàn thành phố của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch kiến trúc TP) cho biết, gần một nửa trong số 1.300 căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975 cho đến nay đã bị tháo dỡ bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, phần lớn biệt thự cũ hiện đang được bảo tồn đều có các giá trị về lịch sử - văn hóa, cảnh quan, kiến trúc - nghệ thuật cần được bảo tồn để gìn giữ bản sắc văn hóa - nghệ thuật, lịch sử, kiến trúc của một giai đoạn phát triển của lịch sử.

Các biệt thự cổ phân bố chủ yếu tại các quận trung tâm, nhiều nhất là tại Q.1 và Q.3 trên các tuyến đường Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo…

Báo Đại Đoàn Kết từng có bài phản ánh nêu thực trạng, có trên 30% công trình nhà cổ được xác định là di sản trên địa bàn TP HCM nhưng đã bị tháo dỡ, trong khi 30 - 40% biệt thự cổ còn lại thì hiện nay chỉ còn là cái xác nhà mà thôi.

Thực tế công tác bảo tồn di sản biệt thự cổ tại TP HCM hiện nay gặp vô vàn khó khăn… Trước thực trạng trên, từ cuối năm 2015, do tình trạng xuống cấp của 29 biệt thự cũ trên địa bàn các quận này, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho phép tháo dỡ các biệt thự trên và loại ra khỏi danh sách nghiên cứu bảo tồn.

Tuy nhiên, một số trường hợp biệt thự cổ bị gia chủ tự tháo dỡ, như trường hợp vào cuối tháng 6/2016,một biệt thự hơn 100 tuổi trên đường Nơ Trang Long (Q. Bình Thạnh) và một biệt thự cổ khác trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) đã bị các chủ sở hữu phá dỡ.

Đối với các trường hợp này, đặc biệt nếu các chủ sở hữu biệt thự có nhu cầu tháo dỡ hay xây dựng mới, UBND TP sẽ giải quyết dứt điểm từng trường hợp trên cơ sở thực tế và tham mưu từ Sở Quy hoạch - kiến trúc TP HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý, bảo tồn biệt thự cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO