Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập

H.Vũ 18/08/2021 06:30

Ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 11.185 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 80 tỷ đồng. 24.086 người lao động đóng tiền thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 68 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị sử dụng lao động được thanh tra nợ trước khi có quyết định là 1.971 tỷ đồng, số tiền các đơn vị đã nộp là 1.443 tỷ đồng....

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, mặc dù qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ chưa có thông tin, báo cáo về việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, tính đến 31/12/2020 tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi chậm đóng là 3.017 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số nợ). Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động do đại dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các biện pháp hỗ trợ, theo đó, cơ quan BHXH đã kịp thời thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh, cần phải có tính toán về hệ quả pháp lý của việc triển khai gói hỗ trợ này trong trường hợp sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng nhưng doanh nghiệp không có khả năng đóng bù, tránh tình trạng như một số tập đoàn, tổng công ty trước đây.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quản lý sử dụng quỹ còn nhiều bất cập, trong khi đây là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, chỉ sau Quỹ Ngân sách nhà nước. Đây là vấn đề có trách nhiệm của nhiều bên cho nên tới đây tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ để tránh tiêu cực, trục lợi. “Kết dư các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn nhưng sử dụng quỹ phải đúng nguyên tắc pháp luật vì pháp luật là “bất vị thân”, có đóng thì có hưởng.

Kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sử dụng quỹ còn tồn tại, cần giải pháp khắc phục, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra trong việc hưởng BHXH 1 lần; việc nợ, thu chi để cân đối bảo toàn Quỹ BHXH. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoàn thiện báo cáo để báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

“Thay đổi phương thức thanh tra để không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các đối tượng nợ, chậm đóng cần được làm rõ để ngăn chặn tình trạng nợ đọng kéo dài, làm ảnh hưởng tới người lao động, tránh chi sai gây thất thoát quỹ” -ông Mẫn cho hay.

Cải cách tiền lương từ 1/7/2022

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương đã được khẳng định là từ thời điểm 1/7/2022, trong đó có hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO