Quan tâm giải quyết kiến nghị cử tri

H.Vũ 19/10/2022 07:00

Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của Ban Dân nguyện cho thấy, nội dung trả lời cử tri của một số bộ, ngành còn chưa đầy đủ, trả lời còn chung chung, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết.

Một phiên giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn Đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp thứ 3 đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.171 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 82,2%.

Cụ thể, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 62/62 kiến nghị cử tri được gửi đến. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.057 kiến nghị; đang tiếp tục giải quyết, trả lời đối với 467 kiến nghị thuộc thẩm quyền. Các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 32/32 kiến nghị. Trong đó, đã trả lời về giải pháp để giải quyết các đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự có vướng mắc ở một số địa phương.

Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Dân nguyện, một số bộ, ngành trả lời còn chưa đúng thời hạn theo quy định, trong đó có: Bộ Y tế; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, có nội dung trả lời cử tri của một số bộ, ngành còn chưa đầy đủ, trả lời còn chung chung. Như việc cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác kiểm tra cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị. Nhưng trả lời cử tri, Bộ Xây dựng chủ yếu chỉ nêu về việc đã có các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, quản lý đầu tư xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, chưa đề cập đến các giải pháp cụ thể về tăng cường công tác kiểm tra cũng như việc tổ chức kiểm tra việc cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị.

Ban Dân nguyện còn nhận thấy, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết. Đơn cử như trường hợp cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.

Hay như có một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Theo đó, cử tri tỉnh Phú Yên cho rằng Thông tư liên tịch số 55 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước chưa quy định cụ thể số ngày công của từng chức danh, của từng nội dung công việc và đề nghị quy định rõ để triển khai thực hiện.

Qua giám sát cho thấy, mặc dù Thông tư liên tịch số 55 là thông tư hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng lại chưa quy định cụ thể về số ngày công của từng chức danh, từng nội dung công việc khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy việc triển khai thực hiện Thông tư số 55 về vấn đề này còn gặp khó khăn.

Đáng chú ý, có kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ.

Qua giám sát cho thấy, tại khoản 4 Điều 45 Nghị định số 158 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã giao: “Bộ Tài chính quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ”. Tuy nhiên, trong danh mục Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí và trong Luật Khoáng sản cũng không quy định về phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ. Đồng thời, Luật Phí và lệ phí đã nghiêm cấm việc cơ quan Nhà nước tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, không có cơ sở để giao Bộ Tài chính ban hành quy định phí thẩm định đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Quy định nêu trên tại Nghị định số 158 không phù hợp với quy định của Luật Phí và lệ phí.

Theo dự kiến, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 sẽ được báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 (diễn ra vào ngày 20/10 tới) được phát thanh và truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước biết và giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm giải quyết kiến nghị cử tri

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO