Quảng bá ẩm thực Việt: Tiềm năng bị bỏ quên

Hoàng Minh 24/08/2021 07:14

Tại các quốc gia phát triển, văn hoá ẩm thực là chất “xúc tác” quan trọng trong việc quảng bá, phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, với Việt Nam “kho tàng” này vẫn đang khai thác khá đơn điệu, chưa tạo được sức hút.

Nhiều món ăn Việt được tôn vinh

Những năm qua, thông qua các kênh truyền thông uy tín của quốc tế có rất nhiều món ăn Việt Nam đã được tôn vinh. Đơn cử như, ẩm thực Việt Nam được kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới.

Năm 2013, tạp chí danh tiếng Business Insider (Mỹ) xếp phở Việt Nam đứng thứ nhất trong danh sách 40 món ăn du khách nên thử một lần trong đời. Bún chả nằm trong tốp 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới năm 2014 của kênh truyền hình nổi tiếng châu Á National Geographic.

Theo khảo sát của CNN, năm 2017 thì phở và gỏi cuốn của Việt Nam nằm trong danh sách 30 món ăn ngon nhất thế giới.

Mới đây nhất, cuối năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Đặc biệt, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) cũng đã công nhận năm kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt: Đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới, đất nước có nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới, đất nước có nhiều món ăn chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới, đất nước có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới và đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới.

Không những vậy, bên cạnh những giải thưởng thì ẩm thực Việt Nam còn đang nhận được những “thiện cảm” đặc biệt từ bạn bè quốc tế, với những “đại sứ” đặc biệt. Có thể kể đến như Brandon Hurley với kênh YouTube riêng để ghi lại những sinh hoạt đời thường, những trải nghiệm văn hóa, du lịch, ẩm thực tại Việt Nam.

Kênh YouTube của Brandon Hurley được đông đảo khán giả biết đến với cái tên thuần Việt “Phúc Mập” với 130 video clip và được hơn 400 nghìn người đăng ký theo dõi chỉ sau 2 năm xây dựng.

Thông qua kênh trên Brandon Hurley cũng thường xuyên “review” một cách hài hước về các món ăn của Việt Nam và nhận được vô số lời bình luận, khen ngợi từ cộng đồng mạng. Hay như blogger Max McFarlin (Mỹ) với những clip về những món quen thuộc của Việt Nam như bánh mỳ, phở cháo lòng, cơm tấm, bún riêu...

Cần quảng bá ẩm thực đúng cách

Tuy nhiên, với những “bàn đạp” trên cùng với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam thì việc quảng bá ẩm thực trong nước vẫn chưa thực sự được quan tâm và thực hiện bài bản. Đơn cử như lĩnh vực điện ảnh, truyền hình hiện nay chỉ có “lác đác” vài sản phẩm quảng bá cho ẩm thực Việt Nam. Như gameshow “Thiên đường ẩm thực” của Đài truyền hình TPHCM hay các bộ phim “Vua bánh mỳ”, “Mùi ngò gai”. “Kungfu phở”… Nổi bật nhất là dự án “Food Lore” (Truyền thuyết ẩm thực) giới thiệu về ẩm thực Việt Nam do kênh HBO đặt hàng các nhà làm phim đến từ 8 quốc gia châu Á.

Lý giải điều này, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, ẩm thực không phải đề tài được nhà sản xuất điện ảnh lẫn truyền hình chú tâm đầu tư. Thực tế hiện nay các nhà sản xuất đang chạy theo những đề tài “ăn khách” thu hút khán giả tức thời như tình cảm gia đình, tình yêu, mẹ chồng - nàng dâu. Yếu tố ẩm thực trong các phim chỉ là gia vị, đôi lúc trở nên qua loa. Bên cạnh đó, việc quảng bá văn hóa ẩm thực không chỉ trông chờ vào các nhà sản xuất phim tư nhân, phía cơ quan quản lý cần quan tâm và có chế độ đặt hàng, tài trợ để phát triển phim về đề tài này.

Về vấn đề này, theo đạo diễn Lương Đình Dũng, khán giả ở đâu cũng thường có xu hướng muốn khám phá nền văn hoá khác, cảnh sắc khác, những câu chuyện xa lạ và khác biệt. Cảnh sắc, câu chuyện của Việt Nam là điều mới mẻ đối với họ. Một phim với màu sắc Việt Nam sẽ khiến khán giả quốc tế thích thú hơn. Ẩm thực nằm trong số ngồn ngộn những câu chuyện của Việt Nam có thể làm phim để mang ra thế giới. Đạo diễn cũng cho rằng với những đề tài chưa được nhiều nhà sản xuất phim mặn mà trong khi mang nhiều giá trị quảng bá, có thể tạo nên giá trị gia tăng, nhà nước nên đồng hành với nhà làm phim. Nhà nước nên có chính sách đặt hàng các nhà làm phim không chỉ chủ yếu là những bộ phim về đề tài chiến tranh mà đa dạng hơn như những bộ phim quảng bá được nhiều thương hiệu ẩm thực của Việt Nam. Đơn cử, như nước mắm Phú Quốc, lâu nay người ta hay nghĩ nên làm phim tài liệu với những đề tài như vậy, nhưng ta vẫn có thể làm nên bộ phim điện ảnh hay với cốt truyện hấp dẫn, nếu biết cách làm.

Bên cạnh các sản điện ảnh, các kênh Youtube, Facebook cũng là công cụ hiệu quả cho việc quảng bá ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, việc quảng bá ẩm thực Việt trên những kênh này cần được định hướng lại. Hiện, có một số kênh YouTube ẩm thực được nhiều người yêu thích có thể kể đến như Khoai Lang Thang, Ẩm Thực Mẹ Làm, Hương vị quê hương, Cô Ba miền Tây… Tuy nhiên, các kênh ẩm thực trên cũng chỉ bước đầu góp phần giới thiệu, quảng bá những món ăn ngon các vùng miền. Còn để có câu chuyện, tình yêu, thân phận… thì phải cần đến sự nhào nặn của những bàn tay biên kịch, đạo diễn mới mong có được những thước phim đẹp về nghề, về người và những giá trị tinh túy của ẩm thực Việt.

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, việc gắn kết giữa du lịch và ẩm thực ở Việt Nam có một tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên việc gắn kết này cần những hướng đi đúng và trúng. Bởi việc quảng bá tràn làn lan, thiếu chuyên nghiệp sẽ tạo phản tác dụng. Cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết để việc gắn kết này có thể phát triển lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng bá ẩm thực Việt: Tiềm năng bị bỏ quên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO