Quảng bá du lịch bằng điện ảnh

Minh Quân 14/11/2022 07:39

Thực tế cho thấy điện ảnh là kênh quảng bá du lịch rất hữu hiệu. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa điện ảnh và du lịch tại Việt Nam dù có nhiều lợi thế nhưng vẫn đang tồn tại một khoảng trống lớn.

Cảnh trong phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”.

Mảnh đất “màu mỡ”

Lịch sử phát triển điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu khi nhiều bộ phim trong nước và quốc tế được sản xuất hoặc lấy bối cảnh tại các di sản, điểm đến du lịch nổi tiếng. Trong số đó, có nhiều tác phẩm điện ảnh đạt giải cao trong các Liên hoan phim danh tiếng trong nước và quốc tế. Đơn cử như “Đông Dương” là bộ phim nước ngoài đầu tiên được quay trong cung điện, lăng tẩm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế từ những năm 1990. Bộ phim “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam 1987, là bộ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam với 100% bối cảnh quay tại Huế.

Những năm gần đây, nhiều đạo diễn tiếp tục chọn Thừa Thiên Huế làm bối cảnh để làm nên những bộ phim có giá trị nghệ thuật như phim “Nàng thơ xứ Huế” hay “Gái già lắm chiêu 3”, “Gái già lắm chiêu 4” của đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân - NamCito, “Kiều” của Đạo diễn Mai Thu Huyền.

Cảnh trong phim “Mắt biếc”.

Không chỉ có Huế, nhiều địa danh của Việt Nam đã chọn làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm điện ảnh “bom tấn” của thế giới. Như “Người Mỹ trầm lặng” là bộ phim của không chỉ được quay ở TP Hồ Chí Minh mà được quay trải dài khắp 3 miền đất nước, từ Hà Nội, Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng. Phim “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu), sản xuất năm 2017 do Jordan Vogt-Roberts đạo diễn, là một dự án phim bom tấn của Hollywood, sau khi quay tại Mỹ và Australia, đoàn làm phim đã tiến hành quay tại Việt Nam với 4 địa phương là Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng…

Có thể nói, với sự hấp dẫn, độc đáo của văn hóa, Việt Nam luôn là điểm đến của các đoàn làm phim quốc tế. Đây chính là “cơ hội vàng” cho việc giới thiệu, quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam qua tác phẩm điện ảnh.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, TS Phan Thanh Hải, hiện nay lượng du khách tìm đến với những vùng đất, những địa điểm, di sản văn hóa gắn với bộ phim điện ảnh nào đó sau khi được công chiếu ngày một tăng. Từ đó, kéo theo các hoạt động dịch vụ du lịch phát triển đồng hành để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Hải cho biết, hiện nay các quốc gia châu Á có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... đã thu hút du lịch rất hiệu quả khi quảng bá những hình ảnh về văn hóa, ẩm thực, thời trang nước nhà qua phim ảnh. Gắn trường quay điện ảnh và truyền hình với du lịch văn hóa, sử dụng bối cảnh các bộ phim tiêu biểu được khán giả yêu thích từ trước đến nay luôn là mục tiêu của nhiều quốc gia, nhiều nền điện ảnh và truyền hình, nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch. Đây là kinh nghiệm quý đối với điện ảnh Việt Nam.

Nhiều cảnh đẹp ở Cố đô Huế được giới thiệu trong bộ phim Gái già lắm chiêu.

Tìm cơ hội cho phim Việt Nam

Thực tế cho thấy việc gắn kết giữa điện ảnh và du lịch tại Việt Nam dù có rất nhiều lợi thế nhưng hiện nay vẫn đang cần những “cú hích” để gắn kết. Cho dù, thị trường phim Việt Nam đã có sự tăng trưởng bùng nổ trong vài năm qua. Đơn cử như điện ảnh Hà Nội hiện nay cũng gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất - phát hành phim, từ đó dẫn tới sự hạn chế về hiệu quả quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch Thủ đô. Tình trạng chung của các hãng phim, công ty sản xuất, phát hành phim trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 là hoạt động cầm chừng, trì trệ. Rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh ở Hà Nội và có đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở TP Hồ Chí Minh. Chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không khí làm điện ảnh ở Hà Nội nguội lạnh.

Tuy nhiên, một trong những tín hiệu lạc quan trong việc gắn kết đó hình ảnh làng quê Việt Nam đã và đang xuất hiện trong phim của các đạo diễn Việt kiều với mong muốn cho thế giới biết đến cây đa, giếng nước, sân đình đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua các đạo diễn Việt kiều rất quan tâm tới bản sắc Việt Nam, họ hiểu biết thị hiếu của khán giản điện ảnh nước ngoài tốt hơn nhiều. Và đây chính là bí quyết thành công của họ. Bà Lan cũng phân tích, họ giới thiệu những bộ phim mang bản sắc Việt Nam, đồng thời được khán giả nước ngoài thích thú. Chính chất lượng tác phẩm cho phép phim của họ hòa nhập vào nền điện ảnh thế giới. “Nhiệm vụ của họ là làm những bộ phim có thể mang tinh thần Việt Nam, có trình độ kỹ thuật cao để cốt truyện và thẩm mỹ tương xứng với chuẩn mực quốc tế” - bà Lan nói.

Một dẫn chứng rõ nhất, sau thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, những cảnh sắc tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên trong phim đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch Phú Yên công bố, trước khi phim ra mắt, ngành này chỉ đạt doanh thu khoảng 12 - 13% nhưng sau đó lên tới xấp xỉ 30% sau khi phim ra mắt. Người ta gọi Phú Yên với cái tên trìu mến và nên thơ là “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh”, còn Victor Vũ thì mặc nhiên được công nhận là “đạo diễn phù thủy” có khả năng khơi dậy tiềm năng du lịch của một vùng đất chỉ qua một bộ phim. Bối cảnh làm phim “Mắt biếc” (2019) tại đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, khu phố cổ nổi tiếng Bao Vinh (thị xã Hương Trà)... cũng đã khiến nhiều địa điểm ở Huế thu hút rất đông du khách.

Theo nhà văn Đỗ Bích Thúy (tác giả kịch bản phim Chuyện của Pao), chúng ta có những vùng văn hoá rất đẹp mà đến giờ điện ảnh vẫn chưa khai thác được nhiều như Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… với hơn 50 dân tộc thiểu số, chúng ta có một lịch sử dân tộc dày dặn và sinh động, điện ảnh hay bất kì loại hình nghệ thuật nào có khai thác đến bao nhiêu lâu cũng không hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng bá du lịch bằng điện ảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO