Quảng Nam: Nỗi lo sống dưới ‘quả bom’ quặng thải khổng lồ

Tấn Thành 30/08/2020 14:54

Người dân ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam phản ánh nỗi lo sợ, nếu không may xảy ra sạt lở hay sự cố môi trường từ hồ quặng thải hàng trăm nghìn mét khối của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (CTy Vàng PS) sẽ ảnh hướng đến tính mạng, tài sản của họ.

Phía trên hồ chứa quặng ở Đắk Sa của CTY Vàng PS.
Phía trên hồ chứa quặng ở Đắk Sa của CTy Vàng PS.

Gia cố hay nâng đập không phép?

Khu quặng thải nói trên của CTy Vàng PS ở địa phận thôn 4 xã Phước Đức. Đơn vị được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác số 565/GP-BTNMT ngày 25/4/2012 về việc cho phép khai thác vàng gốc tại mỏ vàng Đăk Sa và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 1698/QĐ-BTNMT ngày 29/11/2004.

Thế nhưng nhiều người dân ở thôn 4 xã Phước Đức phản ánh rằng, từ tháng 7 đến nay, CTy Vàng PS đã tự ý nâng cấp, gia cố hạng mục thân đập chứa quặng thải, nước thải sau quy trình sản xuất tinh luyện vàng tại mỏ vàng Đắk Sa.

Trao đổi với chúng tôi ngay dưới thân đập này, ông N.L. người dân địa phương cho rằng: “Nhà máy này hoạt động trở lại hơn 1 năm qua, khối lượng quặng thải ở bãi chứa rất lớn nhưng chưa được xử lý. Nay họ lại nâng cấp hồ vượt độ cao cho phép, dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn đập chứa. Nếu rủi ro về môi trường hay sự cố sạt lở đập xảy ra sẽ ảnh hưởng đến tính mạng tài sản của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới thân đập ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Chúng tôi làm sao yên tâm khi sống dưới “quả bom” quặng thải khổng lồ này”.

Người dân còn khẳng định rằng, trước đây, tại khu vực hồ chứa thải của mỏ vàng Đắk Sa đã từng xảy ra sự cố về việc để chất thải tràn ra môi trường.

Một góc bờ đập mà CTy Vàng PS đã nâng cấp.

Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận những gì mà người dân phản ánh, lo lắng là có cơ sở. Bởi đập chứa thải quặng ở trên đầu nguồn, còn phía dưới hạ nguồn là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân, nếu không may xảy ra sự cố thì khó có thể lường hết được hậu quả.

Tuy nhiên, đại diện truyền thông của CTy Vàng PS cho rằng, công ty chỉ gia cố thân thân đập chứ không đầu tư mở rộng và việc này đã được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Cụ thể, từ năm 2016, UBND tỉnh và Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam có đến kiểm tra và đồng ý cho công ty gia cố thân đập, nhưng thời điểm đó công ty gặp khó khăn chưa tiến hành đầu tư. Bây giờ công ty gia cố thân đập là nhằm mục đích bảo vệ môi trường an toàn chứ không phải để khắc phục sự cố môi trường và việc này ngày 17/8/2020, công ty đã có công văn gửi Sở TN&MT và UBND huyện Phước Sơn.

“Hiện đập số 1 thực hiện quy trình tuyển nổi chỉ sử dụng hóa chất thông thường, không dùng Cyanua độc hại, đã gia cố xong; đập này có sức chứa 610 ngàn mét khối. Công suất khai thác mỏ tối đa chỉ 100.000 m3/năm, như vậy khi giấy phép hoạt động của công ty chưa hết hạn thì đương nhiên đập chứa thải chưa đầy. Nhưng để an toàn đập trước mùa mưa bão, công ty thực hiện kế hoạch gia cố, theo báo cáo ĐTM đã được duyệt” - phía CTy Vàng PS nói.

Cơ quan chức năng nói gì?

Tại buổi làm việc với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn cho rằng: “Trước phản ánh của người dân, UBND huyện đã cử lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền xã Phước Đức tiến hành kiểm tra, qua đó xét thấy vượt thẩm quyền của huyện vì công ty được Bộ TN&MT cấp phép khai thác cũng như ĐTM. Vì thế để an dân và kiểm tra việc làm của công ty đúng hay không huyện đã có văn bản gửi Sở TN&MT tỉnh báo cáo sự việc làm rõ vấn đề”.

Theo báo cáo này thì công ty nâng đập chứ không chỉ là gia cố thân đập. Cụ thể, Báo cáo số 221/BC-UBND ngày 19/8/2020 nêu rõ: Tại thời điểm kiểm tra (17/8) tại hồ 1 (đập 1), công ty đã đắp đất nâng các bờ hồ so với mặt đập cũ cao hơn khoảng 1,5 mét. Trên bờ mặt rải một lớp đá 1x2; trong hồ đập số 1 chứa lượng lớn bùn đặc, nước bề mặt rất ít. Tại hồ 2A (hồ chứa nước thải ngâm chiết), mực nước thấp hơn tại mực nước ở hồ đập số 1.

Tại hồ tuần hoàn chứa một lượng lớn bùn đặc, gần đầy hồ; công ty đang xịt nước làm loãng để bơm về hồ số 1. Đối với hồ tuần hoàn, từ khi hoạt động lại đến nay công ty không vận hành, lượng bùn chứa trong hồ là do mưa lớn ở khu vực xung quanh xói lở, tràn vào hồ…

CTy Vàng PS tiến hành gia cố hồ chứa quặng ở Đắk Sa.

“Để đảm bảo việc xây dựng và vận hành các công trình xử lý nước thải trong quá trình hoạt động của CTy Vàng PS tại nhà máy tuyển luyện vàng Đắk Sa, UBND huyện Phước Sơn đề nghị Sở TN&MT kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các công trình xử lý nước thải theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải hiện nay tại nhà máy tuyển luyện vàng trên” - trích báo cáo.

Về vấn đề CTy Vàng PS gia cố thân đập chứa quặng thải theo biên bản làm việc từ năm 2016, ông Nguyễn Viết Thuận, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho rằng: Công ty vàng Phước Sơn căn cứ vào Biên bản làm việc ngày 21/11/2016 để gia cố thân đập chứa thải số 1 là không đúng. Bởi 4 năm qua chính sách pháp luật đã có nhiều thay đổi.

“Đây là dự án do Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM; giấy xin phép xả thải cũng do Bộ cấp. Việc công ty tự ý nâng cao, gia cố thân đập không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, do đó đơn vị sẽ báo cáo Bộ TN&MT để có hướng xử lý”- ông Thuận nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Nỗi lo sống dưới ‘quả bom’ quặng thải khổng lồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO