Sáng 19/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án “Sắp xếp dân cư (SXDC) vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”. Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã trình bày kết quả đề án SXDC vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tổng kinh phí UBND tỉnh đã bố trí trong 4 năm (2017-2020) cho 9 huyện miền núi thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư là 385 tỷ đồng.
Tổng số vốn các huyện đã giải ngân hỗ trợ hộ sắp xếp, ổn định dân cư đến ngày 31/12/2020 là hơn 349 tỷ đồng, đạt 90,7% so với tổng số vốn kế hoạch tỉnh đã giao;… trong đó, hỗ trợ san lấp nền nhà cho 6.095 hộ, với số tiền hơn 181 tỷ đồng; di chuyển nhà cho 6.742 hộ, với số tiền hơn 134 tỷ đồng; nước sinh hoạt cho 4.888 hộ, với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng, điện sinh hoạt cho 4.082 hộ, với số tiền hơn 10 tỷ đồng; đường dân sinh cho 1.953 hộ, với số tiền hơn 12,8 tỷ đồng; đất sản xuất cho 131 hộ/150,6ha, với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng và hỗ trợ di dời chỉnh trang tại chỗ cho 41 hộ, với số tiền 820 triệu đồng.
“Giai đoạn 2021-2025 thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Về hỗ trợ di dời chỗ ở như: Bố trí đất ở tối thiểu 150 m2/hộ; di dời chuyển nhà 20 triệu đồng/hộ; san lấp nền nhà 30 triệu đồng/nền nhà/hộ; nước sinh hoạt là 1,5 triệu đồng/hộ; đường dây điện đấu nối đến từng hộ (phần sau công tơ), chiều dài tối đa 100m/hộ, không quá 3,5 triệu đồng/hộ;…”, ông Ngô Tấn thông tin.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Sâm, Nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho biết, Đề án SXDC miền núi nếu thực hiện sẽ có ý nghĩa rất lớn, giải quyết được những khó khăn, bức xúc của người dân miền núi khi tình trạng thiên tai, lũ quét, lũ ống thường xuyên diễn ra như hiện nay.
Cũng theo ông Sâm, đề nghị các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện trước khi phê duyệt mặt bằng bố trí dân cư nên thành lập tổ công tác đi khảo sát, tìm ra nguyên nhân vì sao xảy ra những vụ sạt lở ở những ngôi làng mà lâu nay nhân dân vẫn sống ổn định. Để từ đó có đánh giá chính xác về tác động môi trường, quy hoạch những mặt bằng đảm bảo an toàn lâu dài cho nhân dân định cư.
Còn ông Phạm Thế Quyền, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho rằng, việc xây dựng đề án là cần thiết phù hợp với nguyện vọng nhân dân và cán bộ miền núi, góp phần vào việc mục tiêu giảm nghèo xây dựng nông thôn mới miền núi.
Ông Quyền nói thêm, đối với 3 xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, thuộc huyện Phước Sơn cần phải bố trí di dời tập trung vì không thực hiện bố trí xen ghép được mà kinh phí quy định thấp không phù hợp, bố trí, quy hoạch đất sản xuất phải gắn liền với nơi ở.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca cho biết, chúng tôi ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị này, những ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu, chọn lọc và đề nghị với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh đề án khi trình ra đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và giải quyết được vấn đề cấp thiết hiện nay là ổn định đời sống nhân dân.