Quảng Nam: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Tấn Thành- Chí Đại 25/10/2021 13:32

Sáng ngày 25/10, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương từ miền núi đến đồng bằng nhanh chóng tập trung nhân vật lực khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Khắc phục sạt lở miền núi

Mưa lớn 2 ngày qua đã làm một số tuyến đường miền núi ở huyện Nam Trà My, Nông Sơn,… tỉnh Quảng Nam sạt lở nặng, với khối lượng hàng nghìn đất đá tràn xuống đường chia cắt và gây khó khăn đi lại cho người dân và phương tiện đi lại.

Tuyến đường xã Trà Cang về thôn 2 bị sạt lở nặng.

Như tuyến đường từ xã Trà Cang, huyện Nam Trà My đi vào các thôn của địa phương nhiều điểm sạt lở đất đá gây chia; tại tuyến đường ĐH5, huyện Nông Sơn có 3 điểm sạt lở nặng, khiến phương tiện không thể lưu thông đi lại được…

Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho hay: “Toàn xã có 30 điểm sạt lở lớn, nhỏ tại các tuyến đường liên thôn, xã. Sáng nay, xã huy động hơn 140 người dân dùng cuốc, xẻng khắc phục các điểm sạt lở nhỏ, những nơi sạt lở quá nặng thì phải chờ UBND huyện đưa máy móc lên mới có thể khắc phục. Hiện tại tuyến đường từ xã Trà Cang xuống Trung tâm huyện Nam Trà My vẫn chưa thể đi lại được, một số tuyến đường liên thôn tạm thời thông tuyến, nhưng rất khó khăn vì bùn đất sình lầy”.

Người dân xã Trà Cang khắc phục sạt lở.

Anh Nguyễn Thành Ny, trú thôn 3, xã Trà Cang cho hay: “Ngôi nhà tôi nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất nên được chính quyền xã cùng người dân địa phương giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, di chuyển đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn tính mạng”.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, chính quyền huyện đã chỉ đạo lực lượng 4 tại chỗ, giúp người dân khắc phục các tuyến đường liên thôn, xã bị sạt lở để đảm bảo an toàn lưu thông. Về nhà ở thì có 3 ngôi nhà ở làng Tak Pỏ, thôn 1, xã Trà Mai bị hư hỏng, địa phương sẽ giúp người dân khắc phục. Tuyến đường Quốc lộ 40B, đoạn Km 103+100 bị sạt lở, đất đá tràn ra đường và hầu hết các tuyến đường về xã, thôn trên địa bàn huyện đều bị sạt lở với khối lượng lớn. Hiện UBND các xã tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động ứng phó và tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy lợi,… để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Người dân giúp di dời nhà cho anh Ny.

Ông Trần Thiện Thắng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, mưa lớn đã làm ngập nước tuyến đường từ Trung tâm huyện đến các xã Sơn Viên, Quế Lộc, giao thông bị chia cắt hoàn toàn; Quốc lộ 14H vị trí tại cầu Khe Rinh xã Phước Ninh; Tuyến ĐH5 bị sạt lở hơn 2000m3 đất đá, hiện nay giao thông vẫn đang còn bị chia cắt. Địa phương cũng bị bồi lấp bể hút 3 trạm bơm điện hơn 200m3. Sạt lở, bồi lấp khoảng 1500m kênh bê tông.

“UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với UBND các xã cắm biển cảnh báo giao thông, giăng dây tại các điểm nguy hiểm, chỉ đạo người dân không được qua lại nơi ngập nước trên các tuyến đường và đang nỗ lực, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ”, ông Thắng nói.

Khắc phục điểm sạt lở Km 76+900, trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó

Trong khi đó tại đồng bằng, như các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, TP Tam Kỳ;… nước tại các sông, suối và khu dân cư đang rút xuống tới đâu thì bà con dọn dẹp nhà cửa tới đó.

Ghi nhận của chúng tôi, ngày 25/10, tại khu vực Tam Đàn, Tam An, thuộc huyện Phú Ninh và phường Tân Thạnh, Phước Hòa;… thuộc TP Tam Kỳ, nước vẫn còn ngập sâu trong khu dân cư và một số tuyến đường như: Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Trỗi, TP Tam Kỳ vẫn còn ngập nước, khiến phương tiện đi lại hết sức khó khăn.

Một số khu dân cư ở Phú Ninh vẫn còn ngập nước.

Bà Nguyễn Thị Xanh (55 tuổi), trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cho biết: “Khoảng 22 giờ, ngày 24/10 nước lũ bắt đầu rút xuống. Sáng nay tôi dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc. Hễ nước lũ rút xuống tới đâu thì tôi dọn dẹp nhà cửa tới đó”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (43 tuổi), trú thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn nói: “Tối 24 đến sáng 25/10, nước lũ bắt đầu rút xuống dần. Tôi cùng người thân gia đình lo dọn dẹp nhà cửa để sớm ổn định lại cuộc sống. Thế nhưng, nước lũ đã cuốn trôi hết đàn gà, vịt của gia đình nuôi để ăn Tết nguyên đán năm 2022”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đợt này tổng số dân sơ tán trên địa bàn tỉnh 779 hộ/2.535 khẩu, trong đó TP Tam Kỳ 22 hộ/57 khẩu; Phú Ninh sơ tán xen ghép 533 hộ/1803 khẩu, tập trung 8 hộ/62 nhân khẩu;.

Tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Tam Kỳ vẫn còn ngập nước.

Tính đến 17h ngày 24/10, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có 5.373 nhà/20.219 khẩu bị ngập, cụ thể, TP Tam Kỳ 1235 nhà bị ngập từ 0,3-1,2m; huyện Phú Ninh có một số khu dân cư tại các xã Tam An (2 thôn khoảng 400 hộ), xã Tam Đàn (2 thôn khoảng 500 hộ);…

Về công tác khắc phục mưa lũ, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở GTVT khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện và vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục, thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để báo cáo về tỉnh, nhanh chóng giúp đỡ người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO