Quảng Ngãi: Cần sớm phục hồi rừng phòng hộ ven biển

Như Đồng - Tấn Thành 02/06/2021 16:32

Rừng phòng hộ ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ đê biển, phòng, chống xói lở, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Thế nhưng bão số 9 năm 2020 đã tàn phá của Quảng Ngãi trên 11.000 ha rừng dương ven biển.

Với vai trò quan trọng của rừng phòng hộ ven biển và việc rừng bị tàn phá như trên, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức khôi phục lại rừng. Nhiều địa phương hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nó nên đã bày tỏ mong muốn ngành chức năng cùng địa phương sớm có phương án cụ thể, triển khai khắc phục, trồng mới để khôi phục lá chắn xanh ven biển.

Một trong những cây dương lớn bị ngã đổ phải xử lý.

Giữa cái nắng oi bức của mùa hè đầu tháng 6/2021, chúng tôi tìm đến rừng dương phòng hộ tại phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ. Tại nơi đây chúng tôi tận mắt nhìn thấy những cây dương gãy đổ, bật gốc nằm trơ trọi trên vùng đất cát trắng không khỏi xót xa.

Ông Phùng Văn Cảnh, 75 tuổi, người dân phường Phổ Quang, cho biết, ngoài số cây bị gãy ngang đang dần tái sinh thì hơn 300 cây dương liễu trên 60 năm tuổi đã bị gió biển làm bật gốc, không thể phục hồi.

“Dù đã được chính quyền địa phương tổ chức cắt tỉa, dọn vệ sinh cành, nhánh giúp cây sinh trưởng để phục hồi rừng phòng hộ, nhưng vì số cây lâu năm bị trốc gốc quá lớn nên lực bất tòng tâm”, ông Cảnh cho biết.

Những cây dương như thế này phải trên 50 năm tuổi.

Nhiều người ở Tổ dân phố Bàn An, phường Phổ Quang cho rằng, rừng phòng hộ là tấm lá chắn giúp bảo vệ đời sống sản xuất và an toàn tính mạng cho người dân ở các khu dân cư ven biển. Vì vậy, nếu không sớm có biện pháp khắc phục thì mỗi khi mùa mưa bão về người dân không khỏi lo lắng.

Bà Trần Thị Mỹ Tho, Tổ trưởng Tổ dân phố Bàn An cho hay: “Đa số cây bị gãy đổ, bật gốc ở đây đều sinh tồn trên 30 năm, có cây hơn 50 năm tuổi, đường kính 70 cm. Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay nếu trồng cây con sẽ rất khó sống nếu không có biện pháp chăm sóc”.

Theo thống kê của UBND thị xã Đức Phổ, cơn bão số 9 đã khiến 200 ha rừng dương của địa phương này bị thiệt hại nặng. Để khôi phục lại diện tích rừng bị thiệt hại, thị xã đã đưa ra phương án trồng dặm vào mùa mưa năm nay. Tuy nhiên phương án này gặp rất nhiều khó khăn như kinh phí, thời tiết khắc nghiệt,… Địa phương đang lo lắng sẽ mất đi tấm lá chắn cát, gió cũng như ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của cư dân 4 xã ven biển.

Còn đối với toàn tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 năm 2020, làm hơn 60% diện tích cánh rừng dương phòng hộ ven biển bị gãy, đổ, bật gốc. Thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác khắc phục để đảm bảo việc tái sinh cho các cây bị gãy đổ trong đó có việc trồng dặm bổ sung đang được nhiều địa phương quan tâm.

Một trong những cây dương khủng bị bậc gốc do bão.

Việc khắc phục rừng dương rất cần thiết, triển khai càng sớm càng tốt, bởi rừng phòng hộ là tấm lá chắn cho khu dân cư ven biển. Nhưng muốn vậy phải cần một nguồn kinh phí không hề nhỏ.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đại cho rằng, theo tính toán sơ bộ, kinh phí dự kiến để trồng và chăm sóc rừng dương ven biển theo lộ trình “1 năm trồng, 3 năm chăm sóc” lên đến 150 - 200 triệu đồng/ha. Hơn nữa, việc trồng và chăm sóc rừng dương ven biển còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, đất đai, nguồn nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ngãi: Cần sớm phục hồi rừng phòng hộ ven biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO