Quảng Ninh: Cần giải quyết hiệu quả bài toán giữa phát triển du lịch và công nghiệp

Nguyễn Quý 13/02/2023 08:00

Ngày 12/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh sau Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân; trên nền tảng các giá trị tốt đẹp được trao truyền từ các thế hệ đi trước…, Quảng Ninh đã tích cực đổi mới, hội nhập phát triển, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: QMG

Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng 15 đề án, chương trình trọng điểm và 11 Nghị quyết, 29 chỉ thị, 25 chương trình, 214 kế hoạch... từ đầu nhiệm kỳ đến nay để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ. Song song với đó, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Đặc biệt, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”; thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng - chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm qua đạt trên 156.260 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 75,4%, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều đồng tình, đánh giá cao sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của Quảng Ninh và khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã xác định, lựa chọn đúng và trúng các mục tiêu, kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra. Đồng thời, cam kết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phát triển ở nhiệm vụ mới.

Các đại biểu cũng dành thời gian để phân tích, làm rõ một số tiềm năng, thế mạnh, cơ hội phát triển nổi trội cũng như những thách thức đặt ra đối với Quảng Ninh. Đối với vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, các đại biểu cho rằng cần phải song hành phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quản lý quy hoạch. Đồng thời, phải xác định kinh tế mũi nhọn, tiếp tục tăng cường kết nối vùng, nghiên cứu phát triển mạnh mẽ hạ tầng cảng biển, logistics...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QMG

Đánh giá cao sự kế thừa, đổi mới, phát triển của Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ vui mừng và chúc tỉnh sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh, với bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Đồng thời, mong muốn tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương; định vị lại tiềm năng, thế mạnh riêng có để khai thác có hiệu quả; tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn để có hướng đi mới bài bản, thuận lợi hơn;..

Đặc biệt, cần làm tốt vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết hiệu quả bài toán mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và khai thác than, phát triển công nghiệp nặng trên cùng một địa bàn; phát triển hiệu quả, tinh gọn các hoạt động về bảo vệ môi trường; phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức trong nhân dân để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu có, văn minh, sạch đẹp; trở thành nơi đáng sống, đáng đến.

Quảng Ninh cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý môi trường, phát triển văn hóa, xã hội văn minh; cần gắn tăng tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng, tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối vùng miền; cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, làm đến đâu hiệu quả đến đó. Và lưu ý khai thác hiệu quả lợi thế 250km đường biển, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, hạ tầng logistics.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số một cách cụ thể; phát huy hiệu quả trong huy động nguồn lực, hợp tác công - tư; có cơ chế chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng nghề…

Để đồng hành cùng tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương tập trung giải quyết những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của Quảng Ninh để phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của khu vực và cả nước. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng tỉnh triển khai sớm hạ tầng giao thông trong quy hoạch. Cụ thể là cải tạo mở rộng Quốc lộ 4B nối Cao Bằng, Lạng Sơn với trục cao tốc của Quảng Ninh; hoàn thiện trục đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Cái Lân; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Cần giải quyết hiệu quả bài toán giữa phát triển du lịch và công nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO