Quảng Ninh: Có một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc

Tô Thương 29/06/2022 15:01

Ngày 29/6, TP Móng Cái (Quảng Ninh) tổ chức khai mạc Lễ hội đình Trà Cổ với nghi lễ rước thần trên biển. Đây là lễ hội truyền thống, được duy trì tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội đình Trà Cổ là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện trong chương trình kích cầu du lịch của TP Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Đỗ Văn Tuấn đánh trống khai hội.

Lễ hội được diễn ra từ 13h ngày 28/6 đến 12h ngày 1/7 tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đình Trà Cổ và các khu vực phụ cận thuộc Khu du lịch Trà Cổ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái. Lễ hội đình Trà Cổ năm 2022 được tổ chức theo 2 phần gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm lễ mộc dục; lễ rước mâm hoa quả và cây đèn thần vào đình; tiễn Ông Voi ra đình chầu được diễn ra vào ngày 28/6.

Phần hội gồm chấm thi Ông Voi; chương trình nghệ thuật chào mừng; các hoạt động trò chơi dân gian (thi đan lưới, kéo co, đi cà kheo, viết thư pháp, nhảy bao bố…).

Phần chấm thi Ông Voi được tổ chức vào chiều ngày 28/6, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước Ông Voi đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng Ông. Ông Voi nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải Nhất.

Ngay sau phần chấm giải, các Ông Voi trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng.

Riêng Ông Voi đạt giải Nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của Ông Voi này. Cúng xong, túm lông này sẽ được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình.

Ông Voi được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần.

Ngày 29/6 là ngày chính hội, người dân sẽ làm lễ Thỉnh sinh, khai mạc lễ hội; Lễ nghênh thần; Lễ an vị và Chuyển ông voi về nhà. Đến tối, các vị chức sắc, ban tế lễ và 12 ông Cai Đám sẽ thực hiện nghi lễ đóng cây Cai Đám. Sau đó tới Lễ “gọi sổ bìa xanh” để kiểm tra lại số dân đinh cũ, bổ sung dân đinh mới, bầu chọn ra 12 ông Cai Đám mới cho lễ hội đình Trà Cổ năm sau, các tục lễ lại tiếp diễn như vậy. Tiếp đến là phần dâng lễ của nhân dân và du khách.

Ngày 30/6, đại diện Ban tổ chức, Ông đám trưởng, đám phó (Đương nhiệm) dâng lễ tại chùa Nam Thọ và Đền Thánh Mẫu; rước cỗ chay cỗ mặn của Ông đám cũ; dâng lễ của các Khu Nam Thọ, Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Vĩ. Nghi lễ cất cây Cai Đám được thực hiện vào buổi tối cùng ngày. Sau đó tới phần gọi danh sách Ông đám mới cho lễ hội đình Trà Cổ năm sau, các tục lễ lại tiếp diễn như vậy.

Ngày 1/7 là ngày cuối cùng của lễ hội, sẽ diễn ra các hoạt động gồm rước cỗ chay cỗ mặn của Ông đám mới; lễ đại tế; lễ tống đăng; làm lễ thí ôn và bế mạc lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Có một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO