Quảng Ninh: Đảm bảo đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

N. Phượng 27/03/2017 09:05

Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm kinh tế, chủ động xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với khả năng của gia đình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đời sống của vùng đồng bào dân tộc ở Quảng Ninh ngày một nâng cao.

100% thôn, bản có điện lưới quốc gia

Trong 2 năm 2015-2016, đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh luôn nhận được những chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước giúp bà con yên tâm định cư, tổ chức sản xuất hiệu quả trên diện tích đất được giao.

Cùng đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 78 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 32 tỷ đồng, ngoài ra vốn tín dụng và huy động từ các nguồn khác hơn 39 tỷ đồng. Tiêu biểu như huyện Hoành Bồ, một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS cũng đang được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi lớn.

Tính đến thời điểm này, 100% xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến tận từng thôn, bản; 100% các thôn, bản có điện lưới quốc gia, 94% hộ dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhờ có sự giúp sức của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình của bà con DTTS đã đẩy lùi nghèo đói.

Anh Hoàng Văn Học (thôn Một, xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ) cho biết, hiện gia đình anh có khoảng hơn 2ha đất giành cho chăn nuôi vịt, gà và đào ao thả cá. Với mô hình kinh tế VAC kết hợp mỗi năm gia đình anh cũng có mức thu nhập vài trăm triệu đồng. Anh Học còn được chính quyền địa phương cho đi tập huấn, học hỏi thêm cách làm mới từ những mô hình điểm của các địa phương bạn để mở rộng sản xuất, đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình.

Còn tại huyện Bình Liêu, một huyện nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh cũng đang triển khai tốt các hoạt động chăm lo, giúp đỡ đồng bào DTTS nghèo bằng những chính sách, cách làm hiệu quả nhất.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn thì nhu cầu về đất ở, đất sản xuất của người dân trên địa bàn là chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên của xã thì việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa là không thể. Để khắc phục khó khăn đó, địa phương đã chuyển giao một phần quỹ đất cho bà con phát triển lâm nghiệp.

Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển kinh tế, nhiều huyện còn tập trung các nguồn lực xây dựng NTM, đẩy mạnh cung cấp giống, vốn, nước sinh hoạt, tạo điều kiện cho bà con làm ăn, nhất là người nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ DTTS đặc biệt khó khăn.

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã giành 53 tỷ đồng để làm 33 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Hoành Bồ triển khai được 4 công trình, huyện Bình Liêu 8 công trình, huyện Tiên Yên 7 công trình đang trong giai đoạn triển khai, huyện Ba Chẽ 12 công trình.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững

Theo ông Phạm Văn Điệt- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh, để giúp các địa phương khắc phục khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Để làm tốt việc này, UBND tỉnh đã hướng dẫn các sở, ngành chức năng, UBND các huyện thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, triển khai thực hiện đề án, hướng dẫn cơ sở thành lập bộ phận thực hiện chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền đến người dân, rà soát các đối tượng thụ hưởng đồng thời lập kế hoạch thực hiện các nội dung đề án và kế hoạch vốn theo tiến độ.

UBND tỉnh cũng triển khai hướng dẫn, tập huấn cán bộ các ngành liên quan cấp huyện, xã, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản, Trưởng ban CTMT tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương cũng họp Ban chỉ đạo để rà soát công việc, tháo gỡ khó khăn khi triển khai ở thôn, bản để trên cơ sở đó các địa phương tích cực huy động các nguồn lực lồng ghép thực hiện Đề án.

“Nhiều địa phương như huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Uông Bí… đã chủ động rà soát và giải quyết đất ở, đất sản xuất, hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Huyện Ba Chẽ, Tiên Yên cũng đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện đề án giao đất”- ông Điệt cho biết.

Nhờ thực hiện đúng chính sách đối với đồng bào DTTS mà hàng ngàn người dân Quảng Ninh đã xóa được đói, giảm được nghèo một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Đảm bảo đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO