Quảng Ninh: Di dời khẩn cấp 14 hộ dân sống 'cheo leo' cạnh mỏ sét

Ngọc Anh 26/08/2022 07:33

Ở gần mỏ khai thác đất sét, 14 hộ dân sống tại đồi Tên Lửa (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đang lâm vào cảnh sống “cheo leo” do nhà cửa ngả nghiêng, nứt toác, sụt lún và buộc phải di dời khẩn cấp.

Đã nhiều ngày nay, 14 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu sống tại đồi Tên Lửa (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh), gần mỏ khai thác đất sét của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy luôn trong trạng thái “ăn không ngon, ngủ không yên”. Nhà của những hộ dân đều bị sụt lún và xuất hiện nhiều vết rạn nứt, thậm chí có nhà nghiêng ngả hay nứt toác, tách hẳn sân với nhà như thể “chực chờ” đổ sập bất cứ lúc nào.

14 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu sống tại đồi Tên Lửa (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh), gần mỏ khai thác đất sét của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy luôn trong trạng thái “ăn không ngon, ngủ không yên” vì nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Bà Lưu Thị Liên (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy) phải đội mũ bảo hiểm khi vào nhà vì sợ gạch vỡ rơi vào đầu… Bà Liên chia sẻ: Nhà tôi xuất hiện những vết nứt này cũng được vài tháng, ban đầu chỉ có nứt bé, rạn nứt quá nhỏ thì gia đình vẫn phải chắp vá vào để ở tạm. Nhưng bây giờ nứt từ trên xuống dưới, từ ngang đến dọc, từ nền nhà, từ mái thì không an toàn cho bản thân mình thì bắt buộc phải di chuyển. Bây giờ chúng tôi phải đi thuê nhà vì chưa có nhà.
Toàn bộ ngôi nhà cấp 4 của gia đình vợ chồng bà Liên đã bị nứt toác, xé ngang, xé dọc…
Tranh thủ lúc cơn bão số 3 chưa ập tới, vợ chồng bà Liên gấp rút thu dọn nốt những đồ sinh hoạt của gia đình để di dời đến nơi an toàn.
Cách đó một đoạn, sát cạnh khu vực khai thác mỏ đất sét, nơi được gọi là từ đường của gia đình chồng bà Lưu Thị Liên đã bị sập mái.
Đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của hoạt động khai thác đất sét.
Phần lớn ngôi nhà bị sụt lún, đổ nghiêng, trụ nhà bị siêu vẹo, phá vỡ kết cấu ngôi nhà nhưng hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra bồi thường hay hỗ trợ tiền thuê nhà cho gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyết, chồng bà Liên kể: Lúc tôi sinh ra đã có nhà đất ở đây. Tôi trông nom từ đường của bố mẹ. Nhà tôi sụt lún cách đây khoảng 5 tháng và di dời đi rồi. Phường bảo nhà nứt to, không ở được nên di dời nhưng chưa có ai đền bù và hỗ trợ tiền thuê nhà gì cả. Tôi đề nghị chính quyền và đơn vị khai thác xem xét và bồi thường cho gia đình tôi.
Cùng chung hoàn cảnh với vợ chồng bà Liên, nhà của nhiều hộ dân còn lại cũng bị nứt toác móng, xé nhiều góc tường…
Sụt lún khiến căn nhà và phần sân tách hẳn ra tựa như một cái cây sắp bật rễ.
Trong số những ngôi nhà của các hộ dân sống xung quanh khu vực khai thác đất sét có những ngôi nhà kiên cố, được xây từ 3 - 4 tầng nhưng cũng không chịu được mà bị nứt toác móng, xé nhiều góc tường, có nhà đang bị nghiêng về hướng mỏ đất sét đang khai thác.
Ngán ngẩm nhìn ngôi nhà mà hai vợ chồng phải vay mượn, tích cóp mãi mới xây được bị nứt, chị Nguyễn Thị Chọn (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy) than thở: “Bây giờ dân cũng ăn không ngon ngủ không yên, ngồi trong nhà đã không thấy yên tâm, những lúc mưa to thì phải chạy ra ngoài đường đứng dưới bạt, trong nhà sập lúc nào tôi cũng không thể biết được. Bình thường tôi để các cháu ở nhà để đi làm nhưng bây giờ phải nghỉ việc để trông con”. Theo chị Chọn mặc dù phường đã bố trí cho các hộ dân mượn 12 căn hộ của một doanh nghiệp để sinh sống tạm, tuy nhiên 12 căn hộ này không có giường chiếu, điện nước... bất tiện sinh hoạt và nếu phải ở lâu dài rất khó khăn.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND phường Giếng Đáy đã kiểm tra hiện trạng, yêu cầu dừng ngay việc khai thác đất sét tại mỏ của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy. Theo báo cáo của UBND phường: Trước đó, ngày 31/5/2022, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Xã hội HĐND phường Giếng Đáy khóa X tổ chức giám sát về việc triển khai thực hiện các biện pháp trong phòng, chống sạt lở đất tại tổ 6 khu 3B, tổ 7 khu 5, phường Giếng Đáy do Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy khai thác đất sét gây ra. Tuy nhiên, Công ty chưa có biện pháp khắc phục triệt để, mới đổ đất hoàn nguyên được khối lượng một phần nhỏ của moong khai thác đất sét.

Đặc biệt trong đợt mưa lớn của bão số 2 vừa qua, các hiện tượng nứt, gãy càng rõ ràng, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của nhà dân. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND phường Giếng Đáy đã yêu cầu 14 hộ dân di dời khẩn cấp trước khi bão số 3 đổ bộ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND Phường Giếng Đáy cho biết: "Trước tiên, để đảm bảo an toàn cho nhân dân, UBND phường đã cử các lực lượng dân quân, đoàn thanh niên của phường hỗ trợ các hộ dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hộ dân chủ động di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Sau khi nhận được phản ánh và UBND phường đã làm việc thì hiện tại Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy đang dừng khai thác và có biện pháp hoàn nguyên hiện trạng."

Các hộ dân nhanh tay di dời đồ đạc ra khỏi căn nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Qua tìm hiểu của PV, ngày 11/8/2015, tại Quyết định số 2353/QĐ-UBND, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Công ty Cổ phần gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh tiếp tục khai thác đất sét để làm vật liệu xây dựng với diện tích 11,6 ha, được giới hạn bởi các điểm khép góc trên bản đồ khu vực khai thác khoáng sản đã cấp giấy phép khai thác tại Quyết định số 4150/ QĐ-UBND, 16/11/2004 và được điều chỉnh tại quyết định số 670/ QĐ-UBND ngày 8/4/2014, đơn vị này sẽ được khai thác trữ lượng 661.801 m3, công suất được khai thác 70.000 m3, độ sâu khai thác đến âm 20 m, thời gian khai thác hết ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, theo các hộ dân sống quanh khu vực mỏ khai thác đất sét nhận định, đơn vị khai thác đất sét đã múc xuống sâu hơn quy định.

Anh Phạm Văn Nho (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy) cho rằng, chiều sâu theo quan sát của các hộ dân rơi vào khoảng 30 m so với mặt bằng của các căn nhà. Càng khai thác thì càng lún sâu như vậy. Người dân đã báo cáo với phường và các ban, ngành. Đã có một số cơ quan chức năng quan tâm, xuống hiện trường nhưng chưa có thông báo gì, người dân hiện không biết đi đâu về đâu nếu không may xảy ra sạt lở. Anh Nho và các hộ dân mong các ban, ngành có biện pháp để các hộ gia đình được yên tâm sinh sống.

Theo người dân, trước đó, việc khai thác đất sét đã gây sụt lún, ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng của các hộ dân và Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy đã bồi thường cho một số hộ dân tại khu vực này di chuyển lên vị trí cao hơn.

Mỏ khai thác đất sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy nằm ở dưới chân đồi, còn nhà của các hộ dân nằm ở phía trên.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Thế, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy cho biết: Vì người dân xây dựng nhà cách đây chỉ 4,5 năm trên đồi dốc như vậy, công ty chúng tôi đã khai thác mấy chục năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới khai thác và chúng tôi thường khai thác vào mùa khô. Bây giờ do mưa lũ sạt lở thì có thể bị ảnh hưởng. Nếu nguyên nhân được xác định là do hoạt động khai thác của công ty thì công ty sẽ hỗ trợ di dời và làm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo bà Phạm Thị Thế, việc sụt lún tại khu vực này cần xem xét chính xác là trách nhiệm của đơn vị nào bởi trước đó gần khu vực này có việc mở rộng, thi công nút giao lên cầu Tình Yêu, phần do mưa lớn của bão số 2 vừa qua.

Chính vì vậy, trong cuộc họp sáng 25/8, UBND TP Hạ Long đã yêu cầu các cơ quan chức năng mời đơn vị giám định độc lập vào làm việc để xác định lại ranh giới khai thác cũng như quy trình khai thác sét của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy, qua đó xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan, có phương án bồi thường và xử lý cho người dân.

Trong khi chờ thời gian để các cơ quan chức năng xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm gây ra sụt lún thì hàng loạt hộ dân tại tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi bão số 3 đang đổ bộ, gây mưa lớn ở Quảng Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Di dời khẩn cấp 14 hộ dân sống 'cheo leo' cạnh mỏ sét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO