Quảng Ninh: Lãng phí nguồn lực xã hội hóa giáo dục

Việt Phương 25/08/2021 08:49

Tiên Yên là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh với dân số hơn 5,2 vạn người. Với dân số ít nhưng trên địa bàn huyện có đến 5 cơ sở đào tạo bậc THPT nên dẫn đến tình trạng mất cân đối “thừa trường thiếu trò”.

Thừa trường thiếu trò

Năm học 2020-2021, số học sinh tốt nghiệp THCS ở huyện Tiên Yên là 683 em. Trừ số học sinh không theo học tiếp lên cao và chuyển trường thì tổng số học sinh tiếp tục theo học lên THPT trên địa bàn huyện Tiên Yên chỉ còn lại hơn 500 học sinh.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện có 5 trường THPT với quy mô có thể đón khoảng 2.000 học sinh/đợt tuyển sinh.

Riêng khu vực thị trấn Tiên Yên và xã Tiên Lãng hiện có 4 trường THPT gồm: Trường THPT Tiên Yên, trường THPT Nguyễn Trãi (hệ ngoài công lập), trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS & THPT Tiên Yên và Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp & Giáo dục thường xuyên huyện. Xã Đông Hải cách trung tâm thị trấn Tiên Yên 12 km còn có trường THPT Hải Đông.

Trường THPT Nguyễn Trãi được xây dựng khang trang với 30 phòng học, 8 phòng học chức năng, khu nhà hiệu bộ, sân chơi bãi tập, khu ký túc xá và nhà ở công vụ cho giáo viên nhưng mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ, gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư.

Như vậy, số lượng vào học sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 trên địa bàn huyện Tiên Yên chỉ bằng 1/4 quy mô của các trường.

Cụ thể, học sinh được phân bổ vào hệ công lập của trường THPT Tiên Yên là 240 học sinh, trường THPT Hải Đông là 120 học sinh, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS & THPT Tiên Yên là 25 học sinh có hộ khẩu tại Tiên Yên. Trường THPT Nguyễn Trãi và Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp & Giáo dục thường xuyên huyện tuyển số học sinh còn lại.

Do là trường ngoài công lập ở địa bàn khó khăn nên Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ tuyển được 71 học sinh của huyện Tiên Yên. Nhà Trường phải tìm kiếm tuyển sinh thêm tại huyện Đầm Hà 37 học sinh và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) 13 học sinh.

Từ khi thành lập năm 2006 đến năm 2018, mỗi năm nhà trường tuyển sinh từ 160 đến 220 học sinh đảm bảo được từ 9 đến 14 lớp cho 3 khối (Khi đó chưa thành lập Trung tâm GDNN&GDTX huyện Tiên Yên và TrườngPhổ thông Dân tộc Nội trú THPT&THCS Tiên Yên).

Từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Tiên Yên (vì trên địa bàn huyện có 5 cơ sở giáo dục đào tạo bậc THPT). Trong đó có việc tỉnh thuê lại cơ sở vật chất của trường THPT Nguyễn Trãi để chuyển trường THPT Tiên Yên sang để dành diện tích đất của trường THPT Tiên Yên cho mở rộng trường THCS Tiên Yên đạt chuẩn.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, năm 2018, chủ đầu tư trường THPT Nguyễn Trãi đã xây dựng đầy đủ 30 phòng học, 8 phòng học chức năng và khu nhà hiệu bộ, đáp ứng được cho 1.440 học sinh, nhà để xe học sinh và giáo viên, sân chơi bãi tập, khu ký túc xá học sinh gồm 25 phòng khép kín, 18 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên.

Thế nhưng, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh thì phương án thuê lại trường đã vấp phải sự phản đối từ phụ huynh, giáo viên nên không thực hiện được. Khoản tiền hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng trường, lớp học của doanh nghiệp không được sử dụng gây lãng phí hơn 3 năm qua. Trong khi đó số học sinh tuyển sinh càng giảm sút, mỗi năm chỉ tuyển được chưa đến 100 học sinh trên địa bàn huyện Tiên Yên.

Do là trường ngoài công lập ở địa bàn khó khăn nên Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ tuyển được 71 học sinh của huyện Tiên Yên.

Cần tránh lãng phí nguồn lực xã hội

Trong khi trường THPT Nguyễn Trãi với cơ sở vật chất khang trang theo chỉ đạo của tỉnh chưa được khai thác hết, lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp thì cách đó khoảng 1 km có trường THPT Tiên Yên nằm trên diện tích đất hơn 7.000 m2, với cơ sở vật chất xuống cấp nhưng do là trường công lập nên được ưu tiên phân bổ chỉ tiêu gần một nửa số học sinh của cả huyện.

Bên cạnh trường THPT Tiên Yên là trường THCS Tiên Yên nhiều năm nay do thiếu diện tích các công trình phụ trợ nên chưa đủ tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn theo quy định. Thế nhưng, một số người dân và đơn vị lại vẫn “tha thiết” đề nghị ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng mới trường THPT Tiên Yên trên diện tích đất nhỏ hẹp đó.

Nếu phương án xây dựng mới trường THPT Tiên Yên được triển khai thì ngân sách tỉnh Quảng Ninh phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng diện tích đất hiện tại không đảm bảo. Cùng với đó còn ảnh hưởng cả đến trường THCS ngay sát bên cạnh cũng không thể mở rộng để đạt chuẩn.

Như vậy, việc xử lý tình trạng “thừa trường thiếu trò” của Tiên Yên sẽ rơi vào tình trạng “xôi hỏng bỏng không” vì không đạt được mục tiêu chung của cả 2 trường mà còn lãng phí nguồn lực ngân sách Nhà nước cũng như lãng phí nguồn lực xã hội do doanh nghiệp đã đầu tư chỉ vì định kiến trường công lập và ngoài công lập.

Tỉnh Quảng Ninh là điểm sáng trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP các công trình phục vụ cho xã hội. Trong đó có cả những công trình trị giá vài trăm tỉ đồng như Liên cơ quan số 3, Liên cơ quan số 4 của tỉnh do doanh nghiệp đầu tư, tỉnh thuê lại để các sở, ngành, cơ quan làm việc. Các đơn vị này hoạt động hiệu quả, các cơ quan của tỉnh được sử dụng chất lượng dịch vụ tốt, tỉnh không phải đầu tư một khoản ngân sách lớn để xây dựng trụ sở các cơ quan, đơn vị.

Do đó, để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như huyện Tiên Yên thì tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đã có nhiều phương án được huyện Tiên Yên và ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh đưa ra như: Tỉnh thuê lại, mua lại hoặc đặt hàng trường THPT Nguyễn Trãi theo điều 103, Luật Giáo dục. Thế nhưng đến nay các phương án này đều chưa được giải quyết.

Suy cho cùng, nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hay nguồn đầu tư của doanh nghiệp cũng đều là nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển. Nếu chỉ vì quan niệm trường công, trường tư mà để lãng phí nguồn lực đó thì sẽ là lực cản sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Lãng phí nguồn lực xã hội hóa giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO