Ba xã của huyện Hướng Hóa gồm: Hướng Việt, Hướng Lập và Hướng Sơn với khoảng 5.680 dân vẫn đang bị cô lập hoàn toàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Lê Quang Thuận, đến 17h ngày 22/10, vẫn còn 3 xã của huyện gồm: Hướng Việt, Hướng Lập và Hướng Sơn bị cô lập hoàn toàn; trong đó hai xã Hướng Việt và Hướng Lập chưa liên lạc được.
Cả ba xã bị cô lập này có khoảng 5.680 người. Trong đó, xã Hướng Việt có 1.749 người, xã Hướng Lập có 1.641 người và xã Hướng Sơn có 2.289 người. Cả ba xã này đều có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống.
Nguyên nhân khiến ba xã này còn bị cô lập là do đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, chưa thể khắc phục để thông đường cho người và phương tiện lưu thông.
Theo ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa, huyện đã cử một đoàn cán bộ y tế gồm 7 người đi bộ vào xã Hướng Việt, để cứu chữa cho 2 người đang bị thương nặng.
Trong khi đó, việc tìm kiếm 3 người còn mất tích ở xã Hướng Việt khi đi làm rẫy chiều 19/10 gồm: Hồ Văn Minh, Hồ Thị Đang, Hồ Văn Xam vẫn chưa có thông tin.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có đến 30 điểm sạt lở lớn. Tỉnh đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, nhưng cần khoảng 10-15 ngày mới có thể thông xe.
Hiện nay, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Trị phổ biến ở mức xấp xỉ báo động 1. Lũ lụt diễn biến rất phức tạp từ ngày 7/10 đến nay ở Quảng Trị, đã khiến 98 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn tỉnh bị ngập lụt, chia cắt.
Toàn tỉnh có trên 61.000 hộ với gần 194.000 người bị ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt. Tỉnh đã sơ tán 15.000 hộ với trên 49.000 người đến các địa điểm an toàn. Trên địa bàn tỉnh có 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương do lũ lụt.
Tỉnh Quảng Trị có gần 1.400 ha ao, hồ nuôi thủy sản, hơn 2.500 ha rau màu bị ngập lụt, không cho thu hoạch; trên 553.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Các tuyến quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các đường liên tỉnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Quảng Trị trên 1.900 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ thêm cho tỉnh 2.000 tấn gạo và 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Sáng 22/10, tại tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Đoàn công tác đã kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra; thăm và động viên nhân dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng; làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, công tác khắc phục bão lũ đang được tỉnh triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, bị ảnh hưởng bởi bão lũ mà không được hỗ trợ. Tỉnh đã kịp thời phân phối 1.000 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ đến người dân.
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thêm cho tỉnh 2.000 tấn gạo để phân phát cho nhân dân, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế hỗ trợ các loại cây trồng và con giống, các loại thuốc tiêu độc khử trùng… để nhân dân sớm có cuộc sống bình thường, sớm đưa các cháu học sinh tới trường.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, đây là trận lũ lịch sử, gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người chết, mất tích, bị thương và tài sản của người dân. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đã có nhiều chỉ đạo về công tác tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó với hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung.
Trước mắt, Chính phủ đã xuất cấp mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, thuốc chữa bệnh, hoá chất khử trùng, khử khuẩn, xử lý môi trường, vaccine, giống cây trồng, các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, trong đó, tạm cấp từ ngân sách Trung ương mỗi tỉnh 100 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cũng cho biết đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp bổ sung 40 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho 2 huyện miền núi nghèo khó nhất của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hoá và Đắkrông.
Xuất cấp xuồng, phao cứu sinh hỗ trợ 5 tỉnh
Tại Quyết định 1629/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
Cụ thể, tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ 5 bộ xuồng cao tốc, 7.260 phao cứu sinh các loại và 460 chiếc bè nhẹ cứu sinh. Tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 3 bộ xuồng cao tốc các loại, 4.100 phao cứu sinh các loại và 100 chiếc bè nhẹ cứu sinh.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế được hỗ trợ 3 bộ xuồng cao tốc các loại, 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại, 2.000 chiếc phao áo, 2 bộ máy phát điện loại 30KVA. Tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ 5 bộ xuồng cao tốc các loại, 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại, 2 bộ máy phát điện loại 30KVA. Tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 4 bộ xuồng cao tốc các loại, 5.560 phao áo cứu sinh; 200 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 4 bộ máy phát điện.