Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương ứng phó bão số 4

NGUYỄN QUỐC - NGHĨA VĂN 26/09/2022 11:23

Để chủ động ứng phó với bão số 4, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Ngày 26/9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công điện khẩn về công tác tập trung ứng phó khẩn cấp đối với bão số 4.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ: tổ chức ứng trực tại cơ quan, đơn vị 24/24h kể từ 17h ngày 26/9/2022.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, chủ động cho học sinh nghỉ học, cấm di chuyển trên đường, đi vào rừng để bảo đảm an toàn; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,…; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chủ động cho tạm dừng hoạt động tại các cơ sở sản xuất tập trung đông lao động; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão khi bão đổ bộ và mưa lũ,…

Các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trong sáng ngày 26/9, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã về xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vận động, hỗ trợ di dời các hộ dân đang sinh sống tại vùng xung yếu đến nơi an toàn.

Theo đó, lực lượng chức năng đã và đang tiến hành di dời 71 hộ với 322 nhân khẩu, trong đó di dời khẩn cấp 22 hộ dân thuộc xã Phú Thuận. Riêng thôn Tân An, xã Phú Thuận là 45 hộ dân với 75 nhân khẩu.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, trong những ngày qua địa phương đã đến những khu vực xung yếu để tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, kêu gọi các lực lượng cùng hỗ trợ người dân trong việc chằng chống nhà cửa, tất cả đều rất khẩn trương.

Tính đến 9h sáng ngày 26/9, toàn bộ tàu thuyền và thuyền viên tỉnh Quảng Trị đã vào bờ neo đậu tránh bão Noru.

Tại Quảng Trị, sáng ngày 26/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh này cho biết, tính đến 9h00 sáng cùng ngày, toàn bộ tàu thuyền và ngư dân trên địa bàn tỉnh đã vào bờ neo đậu tránh bão Noru.

Tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 2.302 chiếc với 6.136 thuyền viên. Trong đó, số tàu nội tỉnh neo đậu an toàn tại bến của tỉnh là 2.299 chiếc với 6.108 thuyền viên; số tàu thuyền của tỉnh đang neo đậu tại Cam Ranh và Khánh Hòa là 3 chiếc với 28 thuyền viên.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 chiếc tàu ngoại tỉnh với 113 thuyền viên đang vào neo đậu (Quảng Bình: 1 chiếc với 7 thuyền viên; Thừa Thiên - Huế: 1 chiếc với 8 thuyền viên; Quảng Ngãi: 2 chiếc với 15 thuyền viên; Bình Định: 9 chiếc với 75 thuyền viên; Nghệ An: 1 chiếc với 8 thuyền viên).

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi. Tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 33,25% so với dung tích thiết kế.

Về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tính đến 9h ngày 26/9, toàn tỉnh Quảng Trị còn khoảng 523 ha lúa sản xuất vụ hè thu 2022, khoảng 7.891 ha săn và 261 lồng cá chưa thu hoạch.

Liên quan đến công tác ứng phó với bão Noru, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng các kịch bản di dời, sơ tán dân tùy thuộc theo cấp độ bão đổ bộ vào đất liền, cấp độ thiên tai.

Cụ thể, trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền ở cấp độ 3, tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ sơ tán di dời 8.980 hộ với 27.966 nhân khẩu thuộc 4 huyện ven biển (Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh) và huyện đảo Cồn Cỏ; trường hợp bão đổ bộ vào đất liền ở cấp độ 4, số lượng người dự kiến di dời sơ tán tại các huyện này là 29.169 hộ với 100.768 nhân khẩu.

Trường hợp xảy ra lũ trên báo động 3, toàn tỉnh sẽ sơ tán 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu; đối với lũ trên báo động 3 + 1m, toàn tỉnh Quảng Trị sẽ sơ tán 20.718 hộ với 73.156 nhân khẩu và nếu xảy ra lũ trên lũ lịch sử, toàn tỉnh dự kiến sơ tán 30.113 hộ với 109.254 nhân khẩu.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân trong các vùng tự nhiên có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, tỉnh Quảng Trị cũng xây dựng kịch bản sơ tán di dời 2.243 hộ với 8.921 nhân khẩu tại 30 xã thuộc 5 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ) có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; dự kiến di dời 1.447 hộ với 6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh) có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương ứng phó bão số 4

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO