Quay đầu vào bờ để Biển Đông lặng sóng

Nam Việt 16/07/2020 08:10

Trung Quốc hãy thôi tham vọng “đường chín đoạn” để Biển Đông lặng sóng bằng cách tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử, quay đầu sẽ là bờ.

Đảo Đá Lát (huyện đảo Trường Sa) của Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Ngay từ khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền cực kỳ vô lý trên Biển Đông qua cái gọi là “đường chín đoạn”, lập tức thế giới cảm thấy bất an. Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc có thể nói là chưa lâu, nhưng tham vọng độc chiếm Biển Đông đi cùng với “Trung Hoa mộng” thì đã có từ rất lâu.

Trong tuyên bố ngày 13/7 (rạng sáng ngày 14/7 theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra năm 2009. Cùng đó, Mỹ bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam.

Tuyên bố nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.

Cũng cần nhắc lại một sự kiện rất quan trọng. 4 năm trước, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách đối với vùng biển mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Phán quyết nêu rõ, yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Nhưng, bất chấp phán quyết hai năm rõ mười của Tòa Trọng tài ở La Haye, dư luận và luật pháp quốc tế, Trung Quốc vẫn không từ bỏ những hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Người có lương tri còn kinh ngạc hơn nữa khi thế giới đang phải gồng mình chống đại dịch Covid-19 thì Trung Quốc lại đẩy mạnh những hoạt động phi pháp trên Biển Đông. 4 tháng qua, những hoạt động đó đã khiến cho Biển Đông sóng gió.

Trước hết, đó là việc Trung Quốc triển khai 2 trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong tháng 3/2020, Trung Quốc đã lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Sự việc đẩy lên cao hơn khi ngày 18/4/2020, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Tiếp ngay sau đó, Trung Quốc lại ban hành cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông. Chưa dừng lại, Trung Quốc lại ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 đến ngày 16/8/2020, ngang nhiên coi Biển Đông như “ao nhà” của mình.

Nằm trong chuỗi các sự kiện nhằm độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đưa các máy bay KJ-500 và KQ-200 tới Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; xây dựng hệ thống cáp ngầm ở quần đảo Hoàng Sa; tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; đưa “tàu thăm dò” Hải Dương 4 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

Những vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông mang tính hệ thống, khiến tình hình an ninh Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước tình thế đó, cũng cần nhắc lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh một lần nữa khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan tại Bangkok (Thái Lan), ngày 1/8/2019 khi gặp Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, là hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết thoả đáng tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Tại cuộc gặp, ông Vương Nghị khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc trân trọng quan hệ với Việt Nam, nỗ lực giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa hai nước; nhất trí cùng trao đổi ý kiến, giải quyết thoả đáng những vấn đề phát sinh trong quan hệ hai nước.

Nhưng những gì diễn ra trong thực tế, nhất là kể từ đó đến nay, lại trái ngược với những gì được cho là cam kết của ông Vương Nghị.

Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình trên Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng, chính nghĩa và thiện chí của Việt Nam đã không được đáp lại. Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động làm Biển Đông dậy sóng.

Trở lại với tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, có thể thấy rõ ràng rằng những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là cực kỳ vô lý, không thể chấp nhận, bị thế giới lên án khi nó ảnh hưởng ngày một xấu hơn tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Người Trung Quốc có câu “hồi đầu thị ngạn”, với ý nghĩa “quay đầu là bờ”. Vậy thì hãy thôi tham vọng “đường chín đoạn” để Biển Đông lặng sóng bằng cách tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử, quay đầu sẽ là bờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quay đầu vào bờ để Biển Đông lặng sóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO