Quốc ca bị ngắt tiếng 'vì lý do bản quyền': Trách nhiệm thuộc về ai?

Nguyễn Hoài 07/12/2021 11:27

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, khán giả xem tường thật trực tiếp một trận đấu trên nền tảng xã hội không được nghe các cầu thủ hát Quốc ca vì lý do bản quyền. Sự việc này đang khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.

Tối 6/12, đội tuyển Việt Nam đã có trận ra quân ở giải AFF Cup 2020 trên đất Singapore và giành chiến thắng với tỉ số 2 - 0 trước đội tuyển Lào. Tuy nhiên, sự việc gây chú ý không phải màn trình diễn của hai đội trên sân cỏ, mà là người hâm mộ xem trận đấu này trực tiếp trên kênh YouTube không được nghe Quốc ca của Việt Nam trong nghi thức đầu trận.

BH Media khẳng định không liên quan

Có khoảng 1 triệu người xem cùng lúc trận Việt Nam - Lào trên kênh YouTube của Next Sports - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020. Nhưng ở màn cử hành quốc ca của hai đội, trên sóng trực tiếp YouTube, Next Sports tắt tiếng quốc ca hai nước khiến khán giả ngỡ ngàng.

Đây là sự kiện hy hữu chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà. Đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng trên YouTube trận đấu đã gắn dòng chữ thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm".

Hình ảnh có lời giải thích về việc phải tắt tiếng Quốc ca Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Sự việc này xảy ra khiến nhiều khán giả bức xúc, phẫn nộ. Nhiều dòng cảm xúc bày tỏ trên các mạng xã hội cho rằng, dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì việc ngắt tiếng phần hát Quốc ca của các cầu thủ trong trận bóng đá này là không thể chấp nhận được. Nhiều bình luận "đổ tội" cho BH Media "can thiệp bản quyền" dẫn tới sự cố trên.

Tuy nhiên về việc tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trong trận đấu tối qua, BH Media đã lên tiếng khẳng định không hề liên quan tới mình, cũng như không hề có bên nào "đánh bản quyền" bài hát Tiến quân ca, mà chính đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh FPT trước đó.

Việc làm này tương tự đơn vị Next Media tắt tiếng Quốc ca video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh của mình để tránh việc bị xác nhận bản quyền âm nhạc.

Bản quyền thuộc về ai

Vấn đề bản quyền Quốc ca Việt Nam làm xôn xao dư luận cả tháng qua khi gần đây, Công ty BH Media tuyên bố sở hữu bản quyền bản ghi âm Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao trên YouTube.

Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao gần đây đã lên án việc một đơn vị xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc “Tiến Quân ca - Quốc ca” do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.

Những chuyện “lùm xùm” liên quan đến bản quyền âm nhạc đối với bài Tiến quân ca là hoàn toàn sai phạm, gia đình cố nhạc sĩ đã trao bài hát Tiến Quân ca cho Tổ quốc, cho nhân dân. Bây giờ, quyền tác giả là hoàn toàn thuộc về tài sản Quốc gia, của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả là hai quyền cùng bảo vệ thành quả sáng tạo.

Bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tháng 12/1944. (Bản viết lại có chữ ký của tác giả năm 1994). Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Tuy nhiên điểm khác nhau cơ bản đó là: Quyền tác giả bảo hộ tác phẩm của tác giả đó, trong khi quyền liên quan là quyền được trao cho một nhóm người vì vai trò quan trọng của họ trong việc truyền bá, làm phổ biến tác phẩm đến với công chúng.

Đối với ca khúc Tiến quân ca, quyền tác giả bảo hộ phần nhạc và lời của cố nhạc sĩ Văn Cao, còn quyền liên quan sẽ được áp dụng đối với bản ghi âm/ghi hình bài hát của nhà sản xuất, phần biểu diễn của nhạc công, ca sĩ trình bày bài hát hoặc chương trình phát sóng của nhà sản xuất chương trình chứa bài hát đó.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, người được tặng cho có quyền sở hữu đối với tài sản được tặng cho kể từ thời điểm chuyển giao tài sản, theo đó ca khúc Tiến quân ca do gia đình của cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng đã được tiếp nhận tại Toà nhà Quốc hội vào ngày 15/7/2016.

Trong trường hợp này, cần phải làm rõ việc cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhà nước hay là Nhà nước và nhân dân. Nếu tác phẩm được hiến tặng cho Nhà nước thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có trách nhiệm quản lý về vấn đề bản quyền, mọi hoạt động thực hiện quyền liên quan bao gồm việc sản xuất bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio đối với tác phẩm cần phải có sự cho phép của cơ quan này.

Còn trong trường hợp hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân, việc cho tặng này thuộc sở hữu của toàn dân, ai cũng có quyền sử dụng mà không cần có sự cho phép của bất kỳ cơ quan nào.

Vì vậy, theo luật sư Tiền, việc sản xuất bản ghi tác phẩm của Hồ Gươm Audio cũng không cần phải xin phép, và sau khi công ty này ủy quyền cho BH Media thì họ hoàn toàn có quyền sử dụng và đăng ký bản quyền đối với bản ghi này.

“Vấn đề cần xem xét ở đây là quyền ghi âm, ghi hình chứ không phải nội dung bài hát”, Luật sư Tiền nhấn mạnh.

Trục lợi quyền bản quyền, xử lý thế nào?

Luật sư Tiền phân tích thêm, trong trường hợp có căn cứ cho rằng, BH Media xâm phạm quyền tác giả, trục lợi quyền bản quyền thì tuỳ vào tính chất, hậu quả và số tiền trục lợi mà công ty này có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, căn cứ vào điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, đối với hành vi cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu hành vi phạm tội thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 3 năm.

Ngoài ra, căn cứ vào Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc bồi thường thiệt hại.

Cần nghiêm khắc xử lý

Về vấn đề này, nhạc sĩ Lân Cường bày tỏ bức xúc trước sự việc trên. Ông cho rằng, trong một trận đá bóng mang tầm quốc gia hay bất kỳ một sự kiện nào có phần chào cờ thì không thể chấp nhận được việc bài Quốc ca bị ngắt tiếng vì lý do bản quyền.

Theo nhạc sĩ Lân Cường, khi âm nhạc của bài Tiến quân ca vang lên thì người Việt Nam từ già đến trẻ đều thể hiện sự nghiêm túc, trọng thị trong đó, đặt tay lên trái tim mình, hướng ánh mắt về Lá cờ đỏ Sao vàng và hát bài Quốc ca. Điều này này thể hiện tình yêu với Tổ quốc vô cùng thiêng liêng. Vì vậy, cho dù là chương trình chỉ phát trên các nền tảng xã hội cũng cần phải xử lý nghiêm khắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc ca bị ngắt tiếng 'vì lý do bản quyền': Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO