Quốc gia non trẻ nhất thế giới trở thành điểm nóng bạo lực

Linh Chi 12/07/2016 07:05

Từ chỗ là một quốc gia trẻ nhất thế giới, Nam Sudan đã trở thành một điểm nóng của bạo lực sau hàng loạt các vụ đụng độ ngay giữa lòng thủ đô của nước này khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong khi các cơ quan của LHQ cũng bắt đầu phải sơ tán đội ngũ nhân viên.

Quốc gia non trẻ nhất thế giới trở thành điểm nóng bạo lực

Hàng triệu người dân Nam Sudan đang chịu cảnh màn trời chiếu đất do nội chiến kéo dài. (Nguồn: HRW).

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tình hình an ninh ở thủ đô Juba đã trở nên hết sức nghiêm trọng, khi các cuộc đụng độ xảy ra giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập bỗng chốc biến thành một cuộc chiến diện rộng. Hội đồng Bảo an LHQ đã phải tổ chức một cuộc họp kín ở New York hôm cuối tuần qua, trong đó bàn về các vụ tấn công điên cuồng nhằm vào thường dân và các cơ sở của họ ở nước này.

Hôm đầu tuần, LHQ đã kêu gọi Tổng thống Salva Kiir và đối thủ của ông là Phó Tổng thống Riek Machar kiềm chế các lực lượng của mình, ngăn chặn tình trạng bạo lực lan rộng và cam kết thực thi lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình.

Chiến sự bắt đầu nổ ra vào ngày 7/7, khi các cuộc đụng độ giữa binh sỹ trung thành với ông Kiir và lực lượng ủng hộ ông Machar nổ ra. Đụng độ tiếp tục bùng phát vào hôm 10/7 sau một cuộc đọ súng bên trong một tòa nhà của LHQ. Tất cả đều diễn ra trong khoảng thời gian mà quốc gia non trẻ này đang kỷ niệm ngày độc lập tách ra khỏi Sudan.

Hàng trăm người thiệt mạng

Đến nay, người ta vẫn chưa nắm được con số người thiệt mạng chính xác sau vụ bùng phát bạo lực nghiêm trọng ở Nam Sudan. Trước đó, Bộ trưởng Thông tin nước này nói rằng chính phủ đang “kiểm soát hoàn toàn” khu vực thủ đô Juba, trong khi LHQ báo cáo rằng tình trạng bạo lực vẫn xảy ra trong suốt khoảng thời gian cuối tuần trước.

Bộ trưởng Thông tin Micheal Makuei Lueth cho hay Tổng thống Kiir sẽ sớm đưa ra tuyên bố về một lệnh ngừng bắn đơn phương và vĩnh viễn và thúc giục đối thủ của ông, Phó Tổng thống Machar làm điều tương tự bởi “chúng tôi muốn cứu rỗi sinh mạng của những người dân Nam Sudan”.

Dù chưa biết rõ con số thiệt mạng sau cuộc đụng độ giữa hai phe phái thân ông Kiir và ông Machar, nhưng một số báo cáo của truyền thông phương Tây ước tính rằng có 150 người thiệt mạng. Một số khác lại cho rằng có khoảng 270 người thiệt mạng.

Vũ khí hạng nặng được triển khai

Vụ bạo lực đẫm máu nổ ra ở Nam Sudan khi ông Kiir và Machar gặp gỡ để thảo luận về các vụ đụng độ trước đó giữa lực lượng của hai bên. Bên ngoài tòa nhà chính phủ nơi mà cuộc họp đang diễn ra, tiếng súng nổ bắt đầu vang lên.

Kể từ chiều ngày 7/7, hàng loạt các vụ bạo lực đã xảy ra, và đến ngày 8/7, lực lượng thân ông Kiir đã có cuộc đọ súng nảy lửa với những người ủng hộ ông Machar trong một vụ việc đẫm máu khiến gần 150 người thiệt mạng.

Sự việc khiến cho Đại sứ quán Ấn Độ ở nước này phải khuyến cáo công dân của họ “không hoảng loạn” và nên ở trong nhà. Được biết rất nhiều nhân viên LHq làm việc tại Nam Sudan mang quốc tịch Ấn Độ.

“Chúng tôi nghe thấy tiếng đạn pháo gần một tòa nhà của LHQ, và nó tiếp diễn trong khoảng một giờ đồng hồ mới ngừng lại” - Shantal Persaud, một người phát ngôn của LHQ tại Nam Sudan cho hay.

Nhiều người còn cho hay họ trông thấy cả máy bay trực thăng quân sự trên trời, và nhiều xe tăng xuất hiện trên đường phố. Theo thỏa thuận hòa bình được ký kết trước đây, cả lực lượng chính phủ và phe đối lập đều đóng tại Juba, một kế hoạch mà nhiều người từng chỉ trích do nó có thể đặt hai phe vào tư thế đối đầu thường xuyên.

Nội chiến kéo dài

Sự việc cuối tuần qua cũng khiến hàng loạt chuyến bay đến và đi ở thủ đô Juba bị hủy. Kenya Airways, hiện duy trì 2 chuyến bay mỗi ngày tới Juba, cho hay họ đã ngừng toàn bộ chuyến bay đến thành phố này bởi tình hình an ninh bất ổn. Trong khi đó, Van phòng Ngoại giao Anh khuyến cáo người dân di chuyển tới Nam Sudan, nói rằng “tình hình an ninh ở Juba đã trở nên bất ổn” kể từ thứ Sáu tuần trước.

Cách đây khoảng 2 tuần, chiến sự bùng nổ ở thành phố Wau giữa binh sỹ chính phủ và phe đối lập cũng khiến ít nhất 70.000 người tháo chạy; theo LHQ. Hiện quốc gia non trẻ này đang gần như cạn tiền bởi các nguồn thu của họ chủ yếu đến từ dầu mỏ trong khi giá dầu đang giảm. Điều này khiến cho người dân Nam Sudan càng trở nên tuyệt vọng hơn.

Nam Sudan giành độc lập hồi năm 2011 sau khi 98% dân số bỏ phiếu rời ủng hộ tách khỏi Sudan. Quốc gia Đông Phi, hiện là quốc gia trẻ nhất thế giới, sau đó nhanh chóng chìm vào một cuộc nội chiến kéo dài. Tháng 12/2013, các binh sỹ thân Tổng thống Kiir đã cố gắng giải giáp vũ trang của lực lượng đối lập thân ông Machar gây ra tình trạng bạo lực kéo dài.

Cuộc nội chiến đến nay đã gây ra những hậu quả thảm khốc - 50.000 người thiệt mạng, 2 triệu người mất nhà ở, gần 5 triệu người thiếu lượng thực. Theo một thỏa thuận hòa bình được ký hồi tháng 8/2015, ông Kiir trở thành Tổng thống và ông Machar giữ chức Phó Tổng thống đầu tiên, thế nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc gia non trẻ nhất thế giới trở thành điểm nóng bạo lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO