Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Theo VGP 05/06/2019 19:00

Ngày 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn. Ảnh VGP.

Có 60 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Các đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội); Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ); Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang); Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông); Nguyễn Văn Thân (Thái Bình); Hà Thị Lan (Bắc Giang);... chất vấn Bộ trưởng các vấn đề: Chi ngân sách đầu tư cho văn hóa; giải pháp căn cơ, đột phá để du lịch tăng trưởng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi mê tín dị đoan ở những cơ sở tâm linh; xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật; ngăn chặn tình trạng đi du lịch nước ngoài bỏ trốn; xử lý các tour du lịch không đồng; quản lý nguồn thu công đức, chi lễ hội; quản lý các cuộc thi sắc đẹp; giải pháp căn cơ để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số; quản lý các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; giải pháp tăng cường thị phần phim Việt Nam, phim đề tài lịch sử và phim dành cho thiếu nhi có giá trị nghệ thuật cao;...

Phát triển kinh tế phải đi kèm với bảo tồn di sản

Trả lời chất vấn về vấn đề phát triển du lịch bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa. Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới.

Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn. Trích dẫn câu nói của Thủ tướng liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa là tất cả mọi cái đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được, Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản được, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre). Ảnh VGP.

Kết hợp xử phạt với lên án hành vi phản văn hóa

Đề cập trực diện đến một vấn đề đang gây bức xúc cử tri và nhân dân là việc xử phạt hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ so với mức độ vi phạm và ảnh hưởng đến xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng cho biết, mức độ xử lý vi phạm hành chính hiện nay với những hành vi này đã đủ sức răn đe chưa? Bộ trưởng có những giải pháp nào để chống tái diễn hành vi này ở chùa Ba Vàng, cũng như các cơ sở tâm linh khác?

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng nêu rõ, “sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa cần lên án và xử lý.

Về việc xử lý, chính quyền địa phương, UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến với mức phạt là 5 triệu đồng, đây là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158.

Theo Bộ trưởng, “5 triệu đồng nếu thấy rất nhỏ thì rất nhỏ, nhưng có xử phạt đến 100 triệu đồng thì cũng chưa thể được”. Nhưng Bộ trưởng cũng thấy rằng, “tiền một phần, nhưng phải tăng xử phạt, và làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức”. Kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa dư luận xã hội sẽ tốt hơn, Bộ trưởng nói.

Cấp phép thông thoáng phải tăng cường kiểm tra

Liên quan đến việc xử lý các công ty lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng khẳng định, đây là hành vi phải lên án và xử lý.

Theo Bộ trưởng, trách nhiệm trước hết của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa tốt. Ở đây có sự vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp.

Chúng ta đã xử lý và bài học rút ra là khi cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành phải quan tâm hơn. Bây giờ cấp phép thành lập doanh nghiệp thoáng nhưng thoáng thì hậu kiểm, quản lý như thế nào, có tiêu chí gì, đây là những vấn đề đang đặt ra trong cong tác quản lý nhà nước về du lịch và lữ hành.

Bộ trưởng cũng cho biết, “đã tăng cường cấp phép, tăng cường thanh tra kiểm tra công ty du lịch, lữ hành”. Tuyên truyền giáo dục xử lý vi phạm đối với các công ty du lịch. “Khách du lịch phải lưu ý nên chọn công ty lữ hành có uy tín năng lực, không nên nghe lời nói của các công ty lữ hành có lời nói ngon ngọt lừa đảo”.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện - 2

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh VGP.

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội các nội dung: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện - 3

Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO