Quốc hội hành động

Hoàng Mai 17/06/2016 06:32

Từ những phát ngôn, phát biểu được nêu ra trong họp Thường vụ Quốc hội cho thấy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực sự đang là việc cần làm ngay; không thể chậm trễ thêm nữa. Cùng với đó, người ta cũng thấy bóng dáng của một QH thực sự hành động, không né tránh. Và nếu thực sự như thế thì đây là một tín hiệu đáng mừng, nó cho thấy QH đang hướng đến một QH thực chất.

Quốc hội hành động

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Trong phiên họp thứ 49 TVQH, khi thảo luận về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, nhiều ủy viên TVQH đã chỉ ra chuyện vẫn còn lãng phí; vẫn còn chuyện "vung tay quá trán" ở những cơ quan sử dụng tiền ngân sách nhà nước.

Thậm chí, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi phát biểu trước TVQH cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Tình trạng vi phạm quy định pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây lãng phí ngân sách nhà nước còn tồn tại, việc phân bổ giao dự toán chậm, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước sai mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực ra, câu chuyện chi tiền ngân sách không phải bây giờ mới được nhắc tới; ngay trên diễn đàn QH, trong bất cứ kỳ họp nào chuyện phân bổ ngân sách, chi tiêu công bất hợp lý, nạn “vung tay quá trán” đã được nhiều ĐBQH đề cập; thậm chí nhiều ĐBQH đã chất vấn Chính phủ trong các phiên chất vấn hay các phiên thảo luận về kinh tế- xã hội tại QH. Những chất vấn ấy là khá thẳng thắn. Nó cho thấy, rõ ràng dù luật đã có nhưng việc triển khai thi hành luật không phải ở đâu, lúc nào cũng được nhận thức đúng đắn và thực hiện triệt để.

Đơn cử, chuyện bộ máy công chức sau rất nhiều quyết tâm với các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, các cam kết chính trị mạnh mẽ về việc tinh giảm bộ máy nhưng trên thực tiễn số biên chế không giảm, thậm chí ở một số bộ, ngành, địa phương còn có biểu hiện phình biên chế, phình bộ máy.

Rồi chuyện đầu tư; chuyện sử dụng xe công hay các công sản khác thuộc quản lý của Nhà nước… nếu nhìn nhận, xem xét một cách thấu đáo thì chẳng những chưa tiết kiệm được là bao mà còn có tình trạng vi phạm pháp luật.

Đã thế, việc tổng hợp báo cáo đánh giá về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn chậm trễ. Mà chậm trễ cũng là phải khi đã chưa thực sự tiết kiệm thì lấy gì để báo cáo với Đảng, Nhà nước.

Một thông tin được đưa ra tại cuộc họp của TVQH do chính Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu lên cho thấy, tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước lên đến 67,7%. Cũng cùng một quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền còn nhắc đến số lượng 700 xe công dư thừa được chuyển đổi cho những cơ quan đơn vị có nhu cầu nhưng chưa được cấp phát thực sự thế nào? Ai là người đánh giá? Ai quản lý? Và kéo theo sau đó là hàng loạt những vấn đề chi phí cho chiếc xe ấy cũng được đặt dấu hỏi.

Rồi còn nhiều những ví dụ khác như kiểm toán tại 50 tỉnh, thành phố thì có 40 tỉnh chi vượt; trong đó có 6 tỉnh vượt 30%, có tỉnh vượt 75% cũng được các thành viên TVQH nêu lên đủ cho thấy, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa thực sự trở thành chương trình hành động của nhiều bộ, ngành, địa phương; nó cho thấy trung ương có vội nhưng bộ, ngành, địa phương vẫn đủng đỉnh.

Từ câu chuyện thực hành tiết kiệm chống lãng phí được nêu lên ấy, có thể thấy, từ chủ trương, nghị quyết đến hành động là cả một quá trình; một khoảng cách không phải là nhỏ và cũng không dễ gì rút ngắn trong ngày một, ngày hai.

Từ vấn đề được TVQH nêu lên trong phiên họp hôm 15/6, bên cạnh những điều gờn gợn về thực hành tiết kiệm cũng thấy được một xu thế khá lạc quan. Đó chính là sự quyết liệt của QH và TVQH trong việc giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu còn nhấn mạnh: “Cần chỉ rõ những địa chỉ còn lãng phí chứ chỉ nói có một số địa phương thì cứ “trôi đi”, không thấy rõ trách nhiệm. Lãng phí trong cổ phần hóa doanh nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực là lớn lắm từ quy hoạch đào tạo cho đến sử dụng, lãng phí thời gian là vô cùng lớn, rồi định mức tiêu chuẩn đối với công vụ”.

Còn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì cảm thấy buồn khi “thu thì ít, còn chi thì vượt”; “doanh nghiệp thì chuyển giá còn cơ quan tài chính thì lại chuyển nguồn.” Như vậy là không minh bạch, chuyển hàng nghìn tỷ đồng không rõ ràng nên không biết năm nào ngân sách thực hiện đúng? Năm nào chưa đúng, trong khi nợ đọng thì nhiều. “Bản thân tài chính của ta không minh bạch, có nhiều khoản để ngoài ngân sách mà không báo cáo, chưa tính đến ODA sử dụng thế nào? Ngoại hối sử dụng ra sao khi hiện ngoại hối vẫn để ngoài ngân sách.

Cho nên cần nghiêm túc đúng Hiến pháp và pháp luật, không được du di. Chúng ta chỉ có một quyền là đúng pháp luật, và đúng Hiến pháp”-ông Phan Trung Lý nói trong phiên họp về quyết toán thu chi ngân sách.

Dẫn ra hàng loạt ví dụ, hàng loạt những “phát ngôn ấn tượng” của các thành viên TVQH để thấy, căn bệnh lãng phí; căn bệnh thích chi tiêu hoành tráng đã trở thành một “vấn nạn” trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, nó khiến cơ quan quyết ngân sách là QH cảm thấy lo lắng. Lo lắng ấy là chính xác! Và vì thế, những quan điểm được thành viên TVQH nêu lên là rất đáng lưu tâm.

Từ những phát ngôn, phát biểu được nêu ra trong họp TVQH cho thấy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực sự đang là việc cần làm ngay; không thể chậm trễ thêm nữa. Cùng với đó, người ta cũng thấy bóng dáng của một QH thực sự hành động, không né tránh. Và nếu thực sự như thế thì đây là một tín hiệu đáng mừng, nó cho thấy QH đang hướng đến một QH thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO