Cháy nổ, trách nhiệm của ai?

M.Loan - H.Vũ 14/11/2019 07:00

Ngày 13/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm xoay quanh trách nhiệm của các tổ chức,cá nhân để 2.662 công trình và 110 nhà chung cư cao tầng đi vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Cháy nổ, trách nhiệm của ai?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tại Hội rường. ( Ảnh:Quang Vinh).

2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra hơn 13 nghìn vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.00 tỷ đồng và 6000 héc ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3 nghìn 287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631 tỷ đồng và 1.600 héc-ta rừng. Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60%.

Sau khi Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) có hiệu lực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi lập, phê duyệt đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và xây dựng công trình đã chú ý kết hợp các nội dung liên quan bảo đảm công tác PCCC. Từ năm 2014-2018, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc đã xem xét thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy cho 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC cháy năm 2001 có hiệu lực: Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC. Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật PCCC; việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Buông lỏng kiểm tra hay cố tình vi phạm?

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đánh giá nguyên nhân chính xảy ra cháy từ sự chủ quan của con người. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCC.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, công tác PCCC còn nhiều hạn chế, xảy ra cháy rồi mới rút kinh nghiệm, trong khi cộng đồng phải gánh chịu. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về PCCC chưa đảm bảo yêu cầu, chưa tạo sự chuyển biến về nhận thức trong người dân và những người thực thi pháp luật. Số vụ cháy ở khu dân cư do sơ suất còn chiếm tỷ lệ cao, thiếu kỹ năng trong thoát hiểm từ xảy ra các vụ cháy nhà hàng, khách sạn, quán karaoke. “Cần đưa PCCC vào trong các cấp học, ngành học để người xem nghe nhiều nhất, phù hợp với từng đối tượng, nhất là kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn” - Đại biểu Hiền đề nghị.

Theo ông Hiền, phải làm tốt nghiệm thu các công trình trong PCCC. Bởi những vụ cháy vừa qua là do thiếu chấp hành quy định về PCCC, chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, lựa chọn thiết bị phòng cháy không đồng bộ, thiết bị kém, nhiều công trình được đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

“Cả nước còn 2.662 công trình, và 110 chung cư, nhà cao tầng được đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC”-ông Hiền nhìn nhận đây là việc “đáng báo động” về tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về PCCC đồng thời kiến nghị, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm đối với các chủ đầu tư, công khai các công trình vi phạm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC.

Tăng cường giám sát

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, Quốc hội cần tăng cường giám sát thường xuyên về PCCC, bố trí nguồn ngân sách phù hợp đảm bảo cho công tác PCCC. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; đánh giá toàn diện những bất cập trong hệ thống pháp luật về PCCC để kịp thời bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp; chấn chỉnh, tăng cường hoạt động thanh tra về công tác PCCC; chỉ đạo UBND các cấp xây dựng lực lượng theo phương chậm 4 tại chỗ; xử lý cá nhân vi phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu nơi để xảy ra vi phạm về PCCC, gắn PCCC với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương.

Nhìn nhận các nguyên nhân, hạn chế mà báo cáo giám sát chỉ ra là “không mới”, “không gây bất ngờ”, theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), PCCC cần phải được thể hiện bằng các hành động cụ thể theo phương châm “phòng phải là chính”, ngăn ngừa các sai phạm trong phòng chống cháy nổ.

Cho rằng vừa qua việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước chưa tương ứng với những sai phạm do cháy nổ xảy ra, ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) nhìn nhận, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả của PCCC chưa cao. “Đây chính là khoảng trống trách nhiệm, Quốc hội cần tái giám sát thực thi công vụ trong công tác PCCC. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng hàng nghìn công trình có nguy hiểm về cháy, nổ vẫn được đưa vào sử dụng” – ĐB Xuân nhấn mạnh.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phòng cháy chữa cháy ở nhà trường và các trường mầm non. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, Đoàn Nam Định cho rằng, nếu nguy cơ cháy nổ xảy ra trong trường học không được khắc phục kịp thời thì số nạn nhân sẽ rất lớn. Tuy nhiên việc thực hiện phòng cháy chữa cháy ở các nhà trường còn chưa tốt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, nhiều trường tư thục đã thay đổi cơ năng, biến nhà dân thành lớp học. Chưa kể, các trường học luôn đặt trong các khu dân cư đông, khi xảy ra cháy khó có thể thoát thân do kiến thức về thoát nạn của các em học sinh còn hạn chế.

Từ đó bà Thảo cho rằng, cần làm tốt thực chất và hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy tại các nhà trường vì sự an toàn của học sinh, nhất định không làm theo kiểu phong trào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cháy nổ, trách nhiệm của ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO