Chiều 15/11, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; và dự án Luật Thanh niên sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thì qua thảo luận đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng như ý kiến ở nhiều Đoàn ĐBQH tán thành với phương án giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Cách làm như vậy bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng và đầy đủ chức năng; phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra đầy đủ. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến khâu giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án luật.
Liên quan đến Dự án Luật Thanh niên sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Dự thảo luật quy định 8 quyền và nghĩa vụ cơ bản có tác động nhiều đến việc phát triển thanh niên. Đó là, quyền và nghĩa vụ về học tập; lao động và khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; bảo vệ Tổ quốc; về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; về hôn nhân và gia đình; về tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội. So với Luật Thanh niên năm 2005, Dự thảo Luật đã tách quyền và nghĩa vụ của thanh niên để làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, quy định các chính sách của Nhà nước gắn với việc bảo đảm thực hiện quyền cơ bản của thanh niên.
Trong việc quản lý nhà nước về thanh niên, có một số ý kiến đề nghị thành lập một bộ mới có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, không phát sinh biên chế và phát huy được vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc nội dung này để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, có báo cáo đánh giá tác động cụ thể về từng phương án để trình xin ý kiến Quốc hội.