Kinh nghiệm ứng xử với dân

Thành Luân 02/11/2018 09:00

Từng trải qua nhiều năm làm Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM, bà Phạm Phương Thảo vừa có dịp chia sẻ về những kinh nghiệm thực tiễn của một cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân và cử tri.

Kinh nghiệm ứng xử với dân

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo được đánh giá là mẫu cán bộ gần gũi với dân trong nhiệm kỳ của mình.

Khi nhận quyết định về nghỉ hưu theo chế độ, “Bà Hội đồng” Phạm Phương Thảo đã có ngót nghét 7 năm làm công tác HĐND kiêm Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM. Có 3 nhiệm kỳ làm ĐBQH (IX, XI, XII) nên bà thấu hiểu những tâm tư, bức xúc của cử tri, người dân khi có việc cậy nhờ đến cửa cơ quan chính quyền.

“Bà Hội đồng” được người dân TP HCM kính trọng bởi trong thời gian đương chức, đã có những nghiền ngẫm, đúc kết kinh nghiệm, bài học “ứng xử văn hóa” đối với người dân của mình. Bà tự thấy rằng nghĩa vụ của người cán bộ phải biết “nói lời cảm ơn và xin lỗi” với dân. Với nền hành chính phục vụ, cán bộ công chức phải là những chủ thể phục vụ và người dân là đối tượng được phục vụ.

Bà Thảo nhớ giai đoạn UBND Q.1 phát động cuộc thi “Cán bộ công chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang đẹp trong mắt người dân”. Sau cuộc thi này thì sự hài lòng của người dân đối với công chức có khá lên, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tăng lên. Những trường hợp trễ hẹn, theo chỉ đạo là phải có thư xin lỗi người dân.

Cho đến nay, ý tưởng của cuộc thi này đã trở thành việc làm thường xuyên được chính quyền thành phố chỉ đạo các quận, huyện thực hiện triệt để, có trách nhiệm cao. Việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với các thủ tục hành chính cũng được Ủy ban MTTQ các cấp khảo sát, giám sát hiệu quả cho quá trình cải cách của chính quyền.

Tuy nhiên, vẫn còn đó sự phàn nàn về thủ tục còn phiền hà, còn hành dân; cán bộ công chức còn có thái độ ứng xử lạnh nhạt với dân. Bà Thảo cũng đánh giá việc tiếp dân còn qua loa, có những vụ việc bức xúc còn để kéo dài, người có thẩm quyền chưa tập trung giải quyết.

Theo bà Thảo muốn giảm bớt bức xúc và lấy lại niềm tin của người dân, chỉ có một cách duy nhất là phải có sự đồng bộ, nhất là tạo được sự hợp tác, đồng thuận của người dân trong các chủ trương, chính sách cụ thể.

Ở một góc nhìn khác, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cũng thấu hiểu nỗi khổ của lãnh đạo, công chức phải họp quá nhiều, không có thời gian sâu sát với dân. Bà nhớ vào giai đoạn tháng 9 năm 2017, riêng Sở Tài nguyên – Môi trường TP có đến hơn 3.200 cuộc họp; Sở GTVT có tới 2.124 cuộc; Sở Xây dựng có 861 cuộc. Có giám đốc sở tự nhận, có ngày nhận giấy mời dự 8 cuộc họp của UBND TP và có những cuộc họp phải ngồi chờ ở bên ngoài cho tới khi… hoãn họp.

Việc tổ chức những cuộc họp trên, ai cũng nhận thấy không hiệu quả nhưng lại chưa được khắc phục. Để giảm họp, nguyên Chủ tịch HĐND TP góp ý Chủ tịch UBND TP đương nhiệm cần có sự giao việc cho Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất, tham mưu giải pháp gắn với việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, theo hướng tinh gọn. Bởi chỉ khi lãnh đạo, cán bộ siêng năng vi hành, tiếp xúc dân ở cơ sở, từ đó học thói quen công sở “nói lời xin lỗi và nói lời cảm ơn”.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP khuyên cán bộ, công chức, viên chức nên tích cực, chủ động trong việc chịu học, chịu nghe dân, chịu sâu sát về cơ sở với dân thì sẽ có điều kiện rất tốt để trưởng thành. Khiêm tốn gần gũi với dân, học hỏi ở trường đại học nhân dân rộng lớn chính là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức hoàn thiện mình.

Trong nhiệm kỳ của mình, nhờ những kinh nghiệm ở cơ sở khi tiếp xúc với người dân, “Bà Hội đồng” Phạm Phương Thảo đã để lại dấu ấn đậm nét trong cả hai vai trò Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH TP giai đoạn 2004 - 2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm ứng xử với dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO