Phải có cơ chế đặc biệt để ngăn người nước ngoài ‘núp bóng mua đất’

H.Mai - H.Vũ (ghi) 28/05/2020 09:37

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận có thể có việc người nước ngoài “núp bóng mua đất”. Theo Bộ trưởng, phải có cơ chế đặc biệt trong giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất tại những vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh.

Phải có cơ chế đặc biệt để ngăn người nước ngoài ‘núp bóng mua đất’

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí xung quanh những thông tin về việc người nước ngoài “núp bóng” để sở hữu quyền sử dụng đất tại những khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng.

- Thưa ông, vài ngày qua, báo chí có thông tin về báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng về việc người nước ngoài “núp bóng” dưới nhiều hình thức để mua quyền sử dụng đất ở các khu vực có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, nhất là ven biển Đà Nẵng. Với vai trò quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc báo chí đưa tin người nước ngoài “núp bóng” tại một số khu vực đất đai liên quan đến nhạy cảm an ninh quốc phòng là một vấn đề dư luận rất chú ý. Dưới góc độ quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường, Bộ hết sức quan tâm. Vừa qua, Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề báo chí nêu.

Về góc độ pháp luật, tôi khẳng định cá nhân nước ngoài không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi Luật Đất đai 2003 và sau này là Điều 5 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ các đối tượng được sử dụng đất, trong đó liên quan đến đối tượng nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam là các pháp nhân, doanh nghiệp đầu tư.

Pháp luật Việt Nam bảo hộ cho nhà đầu tư nước ngoài được lập công ty, được tiếp cận đất đai để đầu tư như người Việt nhưng họ không được cấp quyền sử dụng, đặc biệt là cá nhân người nước ngoài.

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vị trí tiền tiêu, chiến lược như hải đảo, biên giới. Qua đó, Bộ đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp chưa thực hiện nghiêm theo quy định. Sau khi kiểm tra, thực hiện ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng, với những trường hợp giao không đúng, địa phương đã thu lại hoặc chuyển sang doanh nghiệp Việt Nam.

Với thông tin tại Đà Nẵng, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh không sai và ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu TP Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố. Quá trình rà soát phát hiện có hiện tượng một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng xuất hiện doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài. Nhưng kiểm tra kỹ thì địa phương chỉ giao đất cho pháp nhân là doanh nghiệp. Cụ thể, việc giao đất có 2 trường hợp: Doanh nghiệp liên doanh hoặc mua cổ phần, đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phát hiện có vi phạm, như giao cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở không thể kinh doanh được. Hoặc có trường hợp chưa thực hiện nghiêm Luật Đất đai 2013 mà vẫn theo Luật 2003, nghĩa là chưa tham vấn ý kiến các cơ quan an ninh, quốc phòng…

Sau khi kiểm tra, Bộ cùng với Đà Nẵng đã làm việc với các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng thì toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đã khắc phục những điểm chưa đúng. Đặc biệt, những khu vực nhạy cảm, họ đã chuyển giao cho người Việt Nam. Sau khi xử lý xong các vi phạm, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước để mọi việc rõ ràng.

- Nhưng thưa ông, trong chất vấn Quốc hội lần trước, ông có trả lời chưa nghe có người nước mua đất ở các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng tại Việt Nam, vậy ông có thể giải thích gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi phát biểu dựa trên số liệu. Đến giờ, tôi bảo lưu ý kiến: Chưa phát hiện một cá nhân nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Theo luật, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước nước là vi phạm nghiêm trọng. Nếu phát hiện được hãy báo tôi để xử lý.

Nhưng còn đối với câu chuyện người nước ngoài “núp bóng” để mua đất, tôi không loại trừ là có. “Núp bóng” có thể là người ngước ngoài lấy vợ, lấy chồng Việt Nam hay người nước ngoài đưa vốn nhờ người Việt Nam thành lập công ty để có quyền sử dụng đất. Trên thực tế công ty đó 100% vốn Việt Nam, không phải công ty nước ngoài nên mọi quy định áp dụng theo luật Việt Nam.

- Vậy theo ông, sắp tới chúng ta cần có những giải pháp nào để phòng ngừa những hiện tượng tương tự như ở Đà Nẵng vừa qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quan điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chủ quan. Luật Đất đai dù hết sức chặt chẽ, nhưng cuộc sống còn thay đổi và không luật pháp nào dự báo được hết, chúng ta không được phép chủ quan.

Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, như trong quy hoạch, xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.

Trong đó, có sự đồng bộ thống nhất với các luật khác về đầu tư, nhà ở, hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện để hạn chế các quyền tiếp cận đất đai đặc biệt là đối với người nước ngoài để chúng ta kiểm soát được.

Nguyên tắc là huy động các nguồn lực kinh tế để thu hút đầu tư, trong đó có nguồn lực đất đai, nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc phòng. Cơ chế chính sách cần phù hợp, hội nhập và đặc thù. Đây là nhiệm vụ chiến lược mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng sẽ phải tính toán.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải có cơ chế đặc biệt để ngăn người nước ngoài ‘núp bóng mua đất’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO