Quốc hội sẽ giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em

H.Vũ 04/06/2019 07:30

Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Với 79,13% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quốc hội sẽ giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em

Quốc hội sẽ giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Quang Vinh.

Tại sao chỉ giám sát 1 chuyên đề?

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, năm 2020 các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.

Trên cơ sở đó, ông Phúc trình Quốc 2 chuyên đề để Quốc hội hội lựa chọn. Theo đó, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, chương trình giám sát năm 2020 chỉ chọn 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 vì lý do năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là chưa thuyết phục. Bởi thực tiễn cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề và Quốc hội cần giám sát. Là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, sắp hết nhiệm kỳ mà không giám sát thì sẽ chuyển cho nhiệm kỳ mới nhiều nội dung phải giám sát.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhìn nhận, tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì phải hoàn thành chung các công việc của bộ máy nhà nước. Cho nên nói vướng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là không nên.

Giám sát để xác định trách nhiệm

Qua thảo luận rất nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm tán thành chọn phương án 1. ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, trẻ em là đối tượng được gia đình và xã hội bảo vệ nhưng gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và cần “lá chắn” để bảo vệ trẻ em. Theo bà Phương, dù thời gian qua đã có nhiều quy định về bảo vệ trẻ em, các giải pháp chống, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em cũng được đưa ra tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những bất cập, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường đang là nỗi bức xúc trong xã hội hiện nay. Trong năm 2017-2019 có 3.499 vụ xâm hạn trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm 60%, những vụ bị hình sự chỉ là phần nổi của tảng băng.

“Đáng lo ngại khi 21,3% trẻ em bị xâm hại tình dục do người thân trong gia đình; 60% do người khác”-bà Phương nói và cho rằng nguyên nhân do công tác bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu các quy định về bảo vệ trẻ em, thiếu sự giám sát của các cơ quan dân cử. Cho nên cần giám sát để đánh giá kịp thời, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến trẻ em.

Các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Có nhiều nơi dư luận đặt câu hỏi tại sao các cơ quan nhiều như vậy, đông như vậy từ Trung ương tới cơ sở mà tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra? Do đó giám sát để xác định trách nhiệm và có những giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Kết thúc thảo luận, với 79,13%, ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại kỳ họp thứ 9 vào năm 2020.

Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia: Giữ nguyên như luật hiện hành

Trong buổi sáng, Quốc hội đã thể hiện chính kiến về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Theo đó về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia có 2 phương án. Cụ thể, phương án 1: Giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (10.000 tỷ đồng) và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C. Phương án 2: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng và điều chỉnh mức vốn phân loại dự án nhóm A, B, C lên tương ứng gấp 2 lần mức quy định hiện hành. Đã có 367/429 ĐBQH đồng ý với phương án 1. Tuy nhiên, nội dung thứ 2 về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không phương án nào được trên 50% tổng ĐBQH tán thành. Do đó phương án này sẽ tiếp tục tiếp thu giải trình nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi vào ngày 13/6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội sẽ giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO