Tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách

H.Vũ 26/05/2020 22:00

Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách

Quang cảnh buổi họp trực tuyến. Ảnh: Quochoi.

So với Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, lần này Dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: Cần tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% để tăng tính chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả của Quốc hội. Bên cạnh đó, cần dành tỷ lệ 3-5% cho các nhà khoa học có kinh nghiệm, trình độ, trí tuệ, phẩm chất tham gia làm ĐBQH chuyên trách mà không giữ chức danh lãnh đạo.

Còn theo ĐBQH Dương Xuân Hòa (đoàn Lạng Sơn), cần nghiên cứu dành ít nhất 5% cho nhà khoa học, chuyên gia, quản lý, có sức khỏe, năng lực, uy tín làm ĐBQH chuyên trách mà không giữ chức danh lãnh đạo. Bởi như nhận định của ông Hòa: “Việc bổ sung quy định này phù hợp với chủ trương đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả”.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), do vấn đề “cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ” còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1 giữ quy định như Dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Còn phương án 2 không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế thời gian qua trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì đa số các công ty đòi nợ biến tướng, thách thức pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, khiến xã hội bất an. Thực tế đóng góp của ngành nghề này không lớn so với các tác hại gây ra, đồng thời kinh doanh dịch vụ đòi nợ ảnh hưởng tới các vấn đề dân sự và các mối quan hệ xã hội khác. Do đó nên quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cùng chung quan điểm không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ĐBQH Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng) cho rằng: Cần rà soát để sửa bổi, bổ sung các quy định, biện pháp về xử lý nợ. Cụ thể, cần có quy trình xét xử tương tự như quy trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội. Tăng cường hiệu lực tổ chức thi hành án, sửa đổi bổ sung Thông tư 228/2009 của Bộ Tài chính về điều kiện xử lý nợ khó đòi, sớm hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải đối thoại tại tòa sẽ thông qua tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), và ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) lại đề xuất “cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, bởi loại hình kinh doanh này gây bức xúc nhức nhối cho xã hội.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Theo đó, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các ĐBQH quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường. Những vấn đề nêu trên cho thấy đã đến lúc cần hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO