Tích cực xử lý 12 dự án kém hiệu quả

H.Vũ 28/10/2018 07:30

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Việt Nam đứng thứ 27 thế giới về xuất khẩu

Giải trình trước các ĐBQH về tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp thương mại, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thời gian qua đã có những chỉ đạo quyết liệt. Mới đây Chính phủ rà soát đã đánh giá kết quả tái cơ cấu, cả 3 khu vực đều tăng trưởng đều, đáp ứng cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp vào tỷ trọng ngày càng tăng, có bước tăng trong xuất khẩu, ổn định ở các phân ngành như điện tử, thủy sản, thực phẩm, chế biến dệt may da giày đều duy trì ở mức 2 con số. Dệt may đứng thứ 7 thế giới, da dày đứng thứ 3 thế giới, đồ gỗ đứng thứ 5, thủy sản thứ 4. Tính chung nước ta đứng thứ 27 thế giới về xuất khẩu.

Tích cực xử lý  12 dự án kém hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Với 12 dự án kém hiệu quả, theo lộ trình 2018-2019 sẽ xử lý toàn diện những tồn tại. Các vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục được làm rõ để xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan.

Liên quan đến 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đang triển khai tích cực và toàn diện khắc phục những tồn tại.

Theo lộ trình 2018-2019 sẽ xử lý toàn diện những tồn tại và chấm dứt vào năm 2020, tuân theo 3 nguyên tắc lớn là: các dự án phải triển khai tồn tại nhưng phải theo khuôn khổ luật pháp; theo nguyên tắc thị trường, không có chuyện nhà nước hỗ trợ ngân sách để giải cứu; và tự chủ tự chịu trách nhiệm của các dự án, phù hợp các cam kết quốc tế. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục được làm rõ để xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan.

3 “chân kiềng” phát triển ngành y tế

Đề cập đến chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, với nỗ lực toàn ngành, chất lượng khám chữa bệnh, y tế cơ sở vừa qua đã được cải thiện rõ nét và đích cuối cùng là chỉ số hài lòng về dịch vụ. Theo đánh giá của UNDP, chỉ số hài lòng về dịch vụ hiện là 76%. Một khảo sát độc lập khác cho thấy tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 85%. Ngành Y tế cũng đã áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật xuống cơ sở, có bệnh viện tỉnh đã ghép được tạng. Đồng thời ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và chấm điểm phân hạng độc lập và công khai lên truyền thông để người dân biết. Hiện quá trình này đã làm được gần hết ở tuyến Trung ương và tỉnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, có bộ phận tiếp dân hướng dẫn xếp số, đường dây nóng, lắp camera ở các khoa khám bệnh để nâng cao thái độ phục vụ. Các bệnh viện phải đảm bảo nhà vệ sinh, khu rửa tay sạch sẽ, đây tuy là những chi tiết nhỏ nhưng lại quyết định chất lượng. Cho nên bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn, khoa nào không có nước rửa tay là trưởng khoa đó ở bẩn.

Liên quan đến tình trạng quá tải, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, do người bệnh chưa yên tâm với cơ sở y tế tuyến dưới nên bị bệnh nhẹ cũng vào viện tuyến trên. “Chẳng hạn dịch chân tay miệng bùng phát tại các tỉnh phía Nam vừa qua cho thấy, bệnh nhân mắc nhẹ ở độ 1, độ 2 cũng vào viện tuyến trên, khiến lượng bệnh nhân tại đây quá tải và lây chéo. Chưa kể 1 người bệnh lại có 3-4 người nhà đi theo nên cũng dẫn tới đông tại các phòng bệnh. Mặt khác, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, không đồng đều các miền.

Tích cực xử lý  12 dự án kém hiệu quả - 1

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội, chiều 27/10. Ảnh: Quang Vinh.

Về hướng phát triển ngành y tế trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải ở thế “kiềng 3 chân”. Thứ nhất, cần xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang khoẻ mạnh, phát hiện bệnh sớm vì nếu bị rồi thì chữa rất khó và rất tốn kém. Do đó chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu phải gắn với mô hình y học gia đình, trạm y tế xã phường và phòng khám bác sĩ gia đình, tức là y tế cơ sở.

Thứ hai, tới đây Bộ sẽ hình thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao có thể kiểm tra sức khỏe thay vì phải ra nước ngoài.

“Chân kiềng thứ ba là vấn đề nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, sắp tới Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học thì đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành Y tế. Nghĩa là học 6 năm ra trường rồi phải thêm 1 năm nữa thực hành, sau đó thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề qua đánh giá của hội đồng quốc gia độc lập. Tiếp đến phải học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm nữa mới có thể hành nghề theo mô hình của quốc tế”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, bắt đầu từ 10h ngày 30/10, ĐBQH sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Từ 15h50 đến 16h35 ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích cực xử lý 12 dự án kém hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO