Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo sửa đổi. Vấn đề nhận được sự quan tâm vẫn là hình thức tố cáo, bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo.
Đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 24/5. Ảnh: Quang Vinh.
Mở rộng hay không mở rộng hình thức tố cáo?
Về hình thức tố cáo, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, qua thảo luận, kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Việc mở rộng hình thức tố cáo như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp bởi việc quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật.
Theo ông Định, kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả 2 loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số ĐBQH đồng ý.
Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả rõ nét được nhân dân ủng hộ và đồng tình cho nên việc thông qua Luật Tố cáo lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên chỉ nên quy định tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp thì mới giải quyết được. Nếu bổ sung thêm các hình thức tố cáo như: fax, điện thoại có thể dẫn đến tố cáo tràn lan cũng như khó xác định được trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật, trong khi hiện nay việc giải quyết khiếu nại tố cáo đang bị quá tải.
“Nếu thêm các hình thức khác sẽ quá tải và khó khăn trong việc giải quyết”- ông Cúc lo ngại.
Theo ĐB Võ Đình Tín (Đắc Nông), với thời đại công nghệ như hiện nay việc dùng các phương tiện như fax, email là hình thức thuận tiện cho người dân trong tố cáo. Nhưng nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến việc tố cáo tràn lan, tố cáo sai sự thật, và khó xác định trách nhiệm hành vi của người tố cáo sai sự thật.
Chủ thể người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo, nếu có thêm các hình thức như fax, email sẽ không thể xác minh được người tố cáo, từ đó có thể dẫn đến lợi dụng tố cáo để vu khống trong khi tố cáo hành vi của cán bộ công chức đang thực thi pháp luật là vấn đề rất phức tạp. Do đó không nên mở rộng nội dung tố cáo.
Đưa ra dẫn chứng thực tế cho thấy có 59,5% tố cáo sai, 28,3% tố cáo có đúng, có sai, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, điều đó cho thấy đơn thư tố cáo sai sự thật và tố cáo có đúng có sai chiếm phần lớn, nếu mở rộng sẽ gây khó khăn trong xử lý, và ngăn chặn lợi dụng để vu khống gây khó khăn trong công tác quản lý.
ĐB Bùi Thị Huyền Mai (Hà Nội), Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quan điểm trên do khó kiểm soát được người gửi đơn tố cáo là ai thông qua thư điện tử dễ dẫn đến việc lợi dụng tố cáo để vu khống, tố cáo sai sự thật. Do đó nên giữ nguyên như luật hiện hành.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), và ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) là hai đại biểu đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, Fax bởi Nhà nước phải phục vụ dân, không thể cái gì không quản lý được thì cấm.
“Nếu bổ sung thêm các hình thức tố cáo như: fax, điện thoại có thể dẫn đến tố cáo tràn lan cũng như khó xác định được trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật, trong khi hiện nay việc giải quyết khiếu nại tố cáo đang bị quá tải” - ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Người bị tố cáo sai sự thật được bồi thường
Điểm mới của Luật Tố cáo sửa đổi lần này chính là quy định cụ thể quyền của người bị tố cáo. Theo đó, người bị tố cáo được yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do việc cố tình tố cáo sai sự thật của người tố cáo.
UBTV Quốc hội nhận thấy, Luật Tố cáo chỉ quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo, còn xử lý các vi phạm sau khi có kết luận nội dung tố cáo như thế nào đã được các văn bản pháp luật có liên quan quy định.
Đối với việc xin lỗi, cải chính công khai, việc quy định chỉ công khai trên phương tiện thông tin đại chúng là không đủ, mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo ĐB Nguyễn Văn Man (Quảng Bình), người tố cáo sai sự thật phải bồi thường và chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo mà mình gây ra. Người giải quyết tố cáo phải bồi thường trách nhiệm về hành vi giải quyết tố cáo sai do mình gây ra. Tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo có quyền từ chối giải quyết tố cáo khi đã có kết luận giải quyết tố cáo lần 2 nhưng người tố cáo không đưa ra được tình tiết tố cáo, nội dung gì mới. Người giải quyết tố cáo có quyền đình chỉ nếu người tố cáo không hợp tác, đến cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung tố cáo.
ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) cho rằng, người bị tố cáo sai phải được xin lỗi khôi phục quyền do cơ quan giải quyết tố cáo gây ra, đồng thời người tố cáo sai cũng phải cải chính, xin lỗi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi đó, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị, người bị tố cáo sai sự thật phải được bồi thường những thiệt hại do người tố cáo sai gây ra. Do đó Luật cần bổ sung các quy định chi tiết để khi thực hiện đảm bảo tính khả thi vì kết quả cho thấy gần 60% là tố cáo sai sự thật, trong khi quy trình xử lý xác minh nội dung tố cáo mất rất nhiều thời gian.
“Người bị tố cáo sai sự thật phải được bồi thường những thiệt hại do người tố cáo sai gây ra. Luật cần bổ sung các quy định chi tiết để khi thực hiện đảm bảo tính khả thi vì kết quả cho thấy gần 60% là tố cáo sai sự thật” - ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh).
Người tố cáo và người thân được bảo vệ thế nào?
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 chỉ quy định đối tượng được bảo vệ là người tố cáo; nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo.
Như vậy là hẹp hơn so với quy định của Luật hiện hành. Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí với quy định nêu trên; nhiều ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa về đối tượng được bảo vệ và nội dung bảo vệ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, điểm mới của Dự thảo Luật lần này chính là việc quy định bảo vệ người thân của người tố cáo nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo, nhưng đồng thời để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa một phần quy định của Luật hiện hành về đối tượng và nội dung bảo vệ, bổ sung các quy định rõ ràng, cụ thể hơn trên cơ sở tương thích với quy định của pháp luật về dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, người được bảo vệ bao gồm: Người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định trên. Theo ĐB Nguyễn Văn Man, trong thực tế cuộc sống không chỉ người tố cáo mà người thân của người tố cáo cũng bị đe dọa. Do đó khi cơ quan giải quyết tố cáo đã thụ lý giải quyết vụ việc thì cũng cần áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ. Chỉ dừng các biện pháp bảo vệ khi có quyết định của cơ quan công an cho thấy rằng không cần áp dụng biện pháp bảo vệ nữa.