2019: Thế giới không bình an

Khánh Duy 24/01/2020 08:00

Năm 2019 là một năm nhiều biến động với nhiều sự kiện lớn. Trong đó, nhiều sự kiện vẫn tiếp diễn, được coi là sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới gương mặt thế giới năm 2020, kể cả những năm tiếp theo. Trong số rất nhiều sự kiện, có thể điểm lại một số sự kiện chính.

2019: Thế giới không bình an

Xung đột thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài, không chỉ tác động tới kinh tế của hai nước, mà rộng ra là phạm vi toàn cầu. Về cuối năm (giữa tháng 12/2019), cả hai bên đều đã có dấu hiệu xuống thang khi phía Mỹ giảm (và lui) đánh thuế cao với nhiều mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ; ngược lại, Trung Quốc cũng cho biết sẽ nhập thêm nhiều hàng hóa từ Mỹ (trị giá khoảng 50 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nông sản).

Tuy nhiên, những gì cho thấy trong gần 2 năm qua thì cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung chưa dễ đã khép lại. Và điều đó vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Brexit: Bà Theresa May ra đi trong nước mắt, ông Boris Johnson “chịu trận”

Trong một tuyên bố đầy xúc động đưa ra tại số 10 Phố Donwning hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà sẽ từ chức để dọn đường cho một lãnh đạo mới thực hiện điều mà bà đã thất bại - Brexit.

2019: Thế giới không bình an - 1

Bà May - người đã 3 lần thất bại trong việc thúc đẩy thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh – đã chính thức từ chức trong tháng 6, mở ra một cuộc ganh đua giành vị trí lãnh đạo nước Anh. Ông Boris Johnson - cựu Thị trưởng London và từng giữ chức Ngoại trưởng Anh - đã chính thức trở thành Chủ tịch mới của đảng Bảo thủ và tân Thủ tướng vào tháng 7, tuyên bố sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU trong tháng 10. Tuy nhiên, Anh vẫn không thể thực hiện Brexit đúng thời hạn chót đó, mà phải dời lại tới tháng 1/2020.

Tháng 12/2019, ông Johnson đã giành thắng lợi lớn trong kỳ tổng tuyển cử của nước Anh, nhanh chóng thành lập Chính phủ mới và chuẩn bị mang thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với EU ra bỏ phiếu trước Quốc hội một lần nữa.

Trung Đông nóng bỏng

Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái sáng sớm ngày 14/9 nhắm vào hai trong số các cơ sở lọc dầu lớn nhất của Công ty Aramco ở Khurais và Abqaiq, miền Đông Arab Saudi đã gây hỏa hoạn nghiêm trọng, làm ngưng sản xuất tới 5,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 1/2 sản lượng dầu của toàn nước này hay 5% nguồn cung hàng ngày trên toàn cầu.

2019: Thế giới không bình an - 2

Đây được coi là vụ tập kích lớn nhất nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của một quốc gia đồng minh Mỹ tại Trung Đông. Các chuyên gia đánh giá, tổn thất sẽ mất nhiều tuần thay vì chỉ vài ngày để khắc phục và nhiều khả năng sẽ làm tăng vọt giá dầu trên thị trường quốc tế. Sự cố cũng dấy lên nhiều lo ngại về an ninh cho các nguồn cung dầu mỏ trên thế giới.

Ngay sau các cuộc tấn công, lực lượng vũ trang nổi dậy Houthi, nhóm chống lại liên minh quân sự ủng hộ chính phủ Yemen, do Arab Saudi dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn suốt hơn 4 năm qua, đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Nhóm nổi dậy khẳng định, họ có “quyền” trả đũa các cuộc không kích và tấn công vào dân thường Yemen.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Arab Saudi rõ ràng không tin tuyên bố của Houthi, thay vào đó cáo buộc Iran đứng đằng sau.

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch ở Syria

Ngày 8/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua bản kiến nghị cho phép Chính phủ nước này tiến hành các chiến dịch quân sự qua biên giới tại Iraq và Syria thêm 1 năm. Bộ Quốc phòng nước này thông báo đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch nhằm thiết lập một vùng an toàn sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực biên giới này.

2019: Thế giới không bình an - 3

Đến ngày 9/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được pháo binh và không quân yểm trợ đã tràn qua biên giới Syria, chính thức mở màn chiến dịch quân sự nhằm các lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc quốc gia Trung Đông này.

Thổ Nhĩ Kỳ leo thang và mở chiến dịch quân sự bên trong lãnh thổ Syria chỉ vài ngày sau khi Mỹ quyết định rút quân và không can dự vào tình hình chiến sự tại Đông Bắc Syria. Quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên quan ngại về số phận của các tay súng thuộc lực lượng YPG, vốn là đồng minh sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS. YPG được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Bắc Syria đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Giới chức chính phủ các nước Anh, Đức ngày 7/10 đã bày tỏ quan ngại về chiến dịch quân sự này, cho rằng hành động can thiệp như vậy có thể gây thêm bất ổn tại Syria.

Tổng thống Mỹ bị luận tội

Trong cú điện đàm ngày 25/7/2019 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông cần một thứ gì đó để đổi lấy việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trước khi hỏi về vấn đề của gia đình cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden – đối thủ chính trị của ông.

Một người giấu mặt trong cộng đồng tình báo Mỹ sau đó nộp đơn tố giác ông Trump “lạm dụng quyền lực để thu lợi ích cá nhân”. Giới chức Nhà Trắng lập tức công bố đoạn băng cú điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, thứ mà hiếm khi được công bố do tính chất nhạy cảm.

2019: Thế giới không bình an - 4

Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống, từ đó mở ra hàng loạt các phiên điều trần tại Hạ viện. Ngày 18/12, Hạ viện bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump. Điều khoản đầu tiên cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và điều khoản thứ hai cáo buộc cản trở Quốc hội. Điều này biến ông thành vị Tổng thống thứ ba bị luận tội trong lịch sử Mỹ.

Vào thời điểm Hạ viện tổ chức bỏ phiếu, ông Trump vẫn thực hiện chiến dịch tái tranh cử ở bang Michigan. Trong cuộc vận động, ông lên tiếng bác bỏ nỗ lực luận tội Tổng thống của đảng Dân chủ và chỉ trích đảng này đang công kích cá nhân ông.

Các điều khoản luận tội sẽ được chuyển tới Thượng viện để mở phiên xét xử Tổng thống Trump. Giới phân tích nhận định, với sự đoàn kết của đảng Cộng hòa như hiện nay, ông Trump khó bị kết án và phế truất.

Thảm sát đẫm máu ở New Zealand

Vào ngày 15/3, 50 người đã bị giết hại trong một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Chrischurch trong vụ xả súng được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử của đất nước New Zealand.

2019: Thế giới không bình an - 5

Thủ phạm xả súng đã tuyên bố về kế hoạch thảm sát của mình trong một bản tuyên ngôn dài 74 trang đăng tải trên mạng, với nội dung mang đậm tính chất cực đoan và phân biệt chủng tộc trước khi nã đạn vào những người đi cầu nguyện. Kẻ xả súng thậm chí còn phát trực tiếp hành động sát nhân của mình trên mạng, gây chấn động dư luận không chỉ trong nước mà toàn thế giới.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã gọi vụ thảm sát này là “một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand”. Và chỉ chưa đầy một tháng kể từ sau vụ tấn công này, chính quyền New Zealand đã ban hành lệnh cấm các loại súng trường tự động và bán tự động.

Thảm họa hàng không và khủng hoảng của Boeing

2 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng liên tiếp xảy ra chỉ trong vòng 5 tháng đều có liên quan tới mẫu máy bay thương mại Boeing 737 Max, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho mẫu 737 Max của Boeing đã bị cấm bay kể từ hồi tháng 3/2019.

Khi mẫu Boeing 737 Max đi vào hoạt động trong năm 2017 – với các động cơ mới, được cải tiến trên cùng lớp khung vỏ - nó từng được xem là mẫu máy bay thương mại của thế hệ tương lai. Nhưng vào tháng 10/208, một trong số những chiếc 737 Max được vẫn hành bởi Hãng Lion Air – có lịch trình bay từ Jakarta, Indonesia tới đảo Sumatra – đã gặp nạn khiến tất cả 189 người trên khoang thiệt mạng.

2019: Thế giới không bình an - 6

Chỉ 5 tháng sau đó, vào ngày 10/3/2019, một chiếc máy bay cùng mẫu của Hãng hàng không Ethiopia Airlines đang trên đường tới thủ đô Nairobi, Ethiopia bất ngờ bổ nhào xuống mặt đất ngay khi vừa cất cánh, khiến toàn bộ 157 người trên khoang thiệt mạng.

Vụ tai nạn xảy ra chỉ trong vòng 5 tháng cùng liên quan tới mẫu 737 Max đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về thiết kế và các đặc tính từng được xem là giúp các phi công vận hành máy bay dễ dàng hơn, cùng câu hỏi liên quan tới các khóa huấn luyện bay dành cho phi công.

Cơ quan quản lý hàng không dân dụng của nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố cấm bay đối với dòng Boeing 737 Max để điều tra các vấn đề liên quan tới kỹ thuật. Đến tháng 12/2019, Boeing đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất mẫu 737 Max bắt đầu từ tháng 1/2020.

Hơn 70.000 đám cháy rừng tại Amazon

Trong tháng 8/2019, các nhà khoa học nói rằng họ đã ghi nhận được 74.000 đám cháy rừng tại Brazil – cao gần gấp đôi so với 40.000 vụ cháy rừng xuất hiện trong năm 2018.

2019: Thế giới không bình an - 7

Theo phân tích, một số đám cháy xuất phát từ việc các hộ nông dân đốt rừng làm đất nông nghiệp hay công nghiệp. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao cùng điều kiện thời tiết khô đã khiến ngọn lửa lan rất nhanh.

Mặc dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế trong tháng 8, nhưng khu rừng rậm Amazon vẫn tiếp tục bị cháy cho tới mãi tháng 10/2019.

Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy

Tháng 4/2019, cả thế giới bàng hoàng khi nhà thờ 850 tuổi Notre Dame ở Paris, Pháp bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn. Vụ cháy bùng phát vào lúc 18h50 phút, giờ địa phương, và nhanh chóng lan tới phần nóc của nhà thờ. Hàng trăm lính cứu hỏa được điều động để dập tắt đám cháy trong sáng hôm sau.

“Chúng tôi sẽ xây dựng lại nó. Tất cả cùng chung tay” – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter sau thảm kịch, trong khi nhiều tỷ phú và các công ty của Pháp cam kết hỗ trợ số tiền lên tới hàng triệu Euro để xây dựng lại công trình lịch sử này.

2019: Thế giới không bình an - 8

Vài tháng sau vụ cháy, các công nhân vẫn không thể vào làm việc bên trong nhà thờ đổ nát do điều kiện nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều hãng tin quốc tế còn đưa tin rằng, vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris khiến cho mức độ ô nhiễm chì lên tới mức báo động.

Tình hình Triều Tiên vẫn nóng

Một số hình ảnh vệ tinh được công bố hồi đầu tháng 12/2019 cho thấy các một số hoạt động tại Trạm phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên đang được nối lại. Giới chuyên gia cho rằng diễn biến này hết sức đáng chú ý và là một bước đi hướng tới các vụ thử vũ khí có mục đích đe dọa.

Thời điểm mà diễn biến này xuất hiện cũng gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị một “món quà Giáng sinh” dành cho Washington đồng thời cảnh báo rằng món quà mà chính quyền Trump nhận được sẽ tùy thuộc vào các sự kiện diễn ra trong những ngày tới.

Phía Triều Tiên sau đó đã dỡ bỏ khu thử nghiệm động cơ tên lửa ở Sohae nhưng rồi lại khởi động lại vào tháng 3/2019.

2019: Thế giới không bình an - 9

Trong năm 2019, Triều Tiên nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ vì thiếu tiến triển trong các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân, thậm chí chỉ rõ nguyên nhân của sự trì trệ này là do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn tránh chỉ trích ông Trump đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2019: Thế giới không bình an

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO