Bảo vệ nguyên thủ Mỹ, nhiệm vụ khó khăn

Hoàng Tú 24/12/2016 10:15

Mặc dù ông Donald Trump chưa chính thức vào nhậm chức nhưng từ sau khi ông giành được thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày 8/11, ngân sách công của Mỹ, cụ thể ở đây là của thành phố New York, đã phải dành cho việc bảo vệ gia đình Tổng thống đắc cử mỗi ngày tới trên dưới 1 triệu USD.

Đó là thông tin được Kênh truyền hình CNN công bố dựa trên khẳng định của đại diện chính quyền thành phố New York. Số tiền này chắc cũng không giảm đi nhiều sau khi ông Trump chính thức nhậm chức ngày 20/1/2017, vì vợ và con trai của ông dự định vẫn tiếp tục ở lại New York, trong tòa tháp mang tên vị Tổng thống thứ 45, cho đến hết năm học này. Công thêm vào đó sẽ là chi phí cho việc bảo vệ những người con khác của ông Trump…

Con mắt bên trong

Nước Mỹ luôn rất quan tâm tới việc bảo vệ an ninh cho các nhà lãnh đạo của mình. Nói không hề quá lời: trong số các cơ quan cảnh vệ túc trực đêm ngày bên cạnh các nguyên thủ quốc gia, những người vất vả vào loại hàng đầu thế giới thuộc biên chế Cơ quan Mật vụ ở Nhà Trắng. Lúc nào mà các Tổng thống Hoa Kỳ chẳng là mục tiêu số 1 của tất cả các lực lượng khủng bố. Thêm vào đó, các ông chủ Nhà Trắng do tính chất và quy mô công việc của mình lại thường xuyên phải thực hiện các chuyến công du bất ngờ không chỉ ở trong nước mà sang cả nước ngoài. Vì vai trò quan trọng như vậy nên bản thân các nhân viên mật vụ Mỹ trong lực lượng bảo vệ nguyên thủ quốc gia cũng trở thành mục tiêu hàng đầu không chỉ của các phần tử khủng bố mà cả các phương tiện thông tin đại chúng. Nhất cử nhất động của họ đều được đưa ngay lên trang nhất các báo...

Theo nhận xét của nhà báo nổi tiếng Ronald Kessler trong cuốn sách “Cơ quan an ninh bí mật của Tổng thống: sau hậu trường cùng các nhân viên an ninh trên tuyến lửa và cùng với các Tổng thống mà họ bảo vệ” , các nhân viên an ninh chuyên trách việc bảo vệ các Tổng thống Mỹ và gia đình của họ làm việc tốt hơn các camera thường trực ngày đêm. Ronald Kessler từng là phóng viên của Washington Post và Wall Street Journal. Trước ông, chưa từng có một nhà báo nào "xuyên thủng" được bức tường im lặng vây quanh công việc của đội bảo vệ các Tổng thống Mỹ và gia đình của họ. Những nhân viên đặc nhiệm luôn phải sẵn sàng lấy thân mình để đỡ đạn cho các Tổng thống Mỹ, đã thổ lộ tâm tình với nhà báo Kessler khá thành thật và chi tiết về quá trình đào luyện của họ, cách họ "ngửi" thấy các nguy cơ cũng như những tình huống bất thường và không bất thường mà họ đã phải trải qua. Họ cũng kể về trường hợp mưu sát vị Tổng thống thứ 33 Harry Truman, về những hậu quả trong công việc của họ sau vụ ám sát vị Tổng thống thứ 35 John Kennedy, về những phản ứng tức thời của họ để cứu vị Tổng thống thứ 40 Ronald Reagan đã bị thương vì trúng đạn của một kẻ điên khùng…

Qua cuốn sách "Cơ quan an ninh bí mật của Tổng thống: sau hậu trường cùng các nhân viên an ninh trên tuyến lửa và cùng với các Tổng thống mà họ bảo vệ", độc giả có thể biết nhiều điều không chỉ về các nỗ lực từ phía các nhân viên an ninh ngăn chặn các vụ mưu sát các Tổng thống Mỹ mà còn cả về tính cách của các nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng như các thành viên gia đình của họ.

Đội cận vệ của ông John Kennedy đã rất kinh ngạc khi phải chứng kiến "cảnh đời hai mặt" của vị Tổng thống thứ 35, luôn luôn tìm cách "ăn chả" mặc dù vợ ông, bà Jacqueline, cũng là một mỹ nhân hạng nhất thế giới. Theo lời kể của các cựu cận vệ của ông Kennedy, ông từng gặp gỡ thân mật với cô đào bốc lửa Marylin Monroe tại các khách sạn khác nhau ở New York và ở trong căn phòng tầng trên phòng làm việc của em trai ông là Thượng nghị sĩ Robert Kennedy tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ. Cựu đặc vụ Robert Lutz còn kể về một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, phục vụ trên tuyến Thụy Điển của Hãng hàng không Pan-America. Lutz có cảm giác như cô nữ tiếp viên đó cũng thích ông nên đã định gặp gỡ cùng cô. Tuy nhiên, sếp của ông đã tuyên bố thẳng thừng rằng, đó là "đào" của Tổng thống.

Ngoài những phụ nữ để "một lần rồi thôi", ông Kennedy còn có một số "ái nữ" mà ông gặp gỡ khá thường xuyên ngay trong chính Nhà Trắng. Đó là Pamela Turner, cựu thư ký riêng khi ông mới chỉ là Thượng nghị sĩ. Hai nữ thư ký khác là Prissilla Weir và Jill Cowen. Theo lời cựu cận vệ Tổng thống Larry Newman, cả hai mỹ nhân này đều không có nhiệm vụ thư ký gì đặc biệt mà chỉ phải lúc nào cũng sẵn sàng tới bên cạnh Tổng thống mỗi khi ông cần họ. Có một lần ông Kennedy đang vui vầy trong bể bơi cùng một mỹ nhân trẻ đẹp thì cận vệ gọi điện đài về báo rằng đệ nhất phu nhân Jacqueline vì một lý do gì đấy bất ngờ quyết định quay về Nhà Trắng. Theo lời kể của nhân viên bảo vệ Anthony Sherman, lúc đó, ông Kennedy chỉ còn 10 phút để ứng phó trước khi vợ về tới nơi. Vị Tổng thống đào hoa và trẻ trai nhảy phắt lên khỏi bể bơi, mặc áo choàng ở nhà vào và vừa đưa ngay ly coctail "Mary rất máu" cho cận vệ Sherman vừa nói: "Ngon lắm, cậu sẽ thích thú đấy!". Thế là thoát!

Nếu các nhân viên an ninh trong đội bảo vệ Tổng thống đánh giá ông Kennedy là "người liều lĩnh" thì họ lại đánh giá vị Tổng thống thứ 36 Lyndon Johnson là thô bạo và kiêu ngạo. ông Johnson thường xuyên "tây tây". Có một lần vợ ông, đệ nhất phu nhân Bird Johnson, bắt gặp ông đang nằm với một nữ thư ký trên đi văng trong Phòng Bầu dục. Và thế là Tổng thống đã trút tất cả nỗi giận dữ ê chề của mình xuống đầu các nhân viên bảo vệ đã không kịp thời cảnh báo ông về việc vợ ông xuất hiện không đúng lúc như thế. ông còn ra lệnh đặt trong Nhà Trắng một hệ thống báo động đặc biệt để thường xuyên cảnh báo mỗi khi vợ ông đi tới chỗ chồng. Khác với người tiền nhiệm Kennedy, ông Johnson thích sự ổn định hơn và không thay đổi nhân tình nhiều như sếp cũ. ông Johnson gần gụi với các người tình ở cả trang trại riêng lẫn ở trên máy bay của Tổng thống, nơi đôi khi ông vào phòng kín cùng các nữ thư ký ngay cả lúc trên máy bay có vợ ông bay cùng.

Người kế nhiệm ông Johnson trong Nhà Trắng, vị Tổng thống thứ 37 Richard Nixon và quan hệ của ông ta với vợ, trong mắt các vệ sĩ, đã rất dị thường. Họ không bao giờ thấy ông Nixon cầm tay vợ cả. Hai người này ngủ đêm trong hai căn phòng khác nhau. Bà Pat Nixon nghiện rượu nặng: không ngày nào bà sống được mà thiếu rượu Martini. Khi ông Richard Nixon rời khỏi Nhà Trắng, bệnh nát rượu của bà Pat càng trở nên nặng hơn.

Theo lời kể của các nhân viên bảo vệ ông Nixon, khi chỉ còn lại một mình, vị Tổng thống thứ 37 trở nên rất uể oải. ông ta có tính hài hước khá đặc biệt. Một lần, ông ta đốt lò sưởi nhưng lại quên mở ống thông khói. Thế là khói tràn ngập phòng, mù mịt. Những nhân viên bảo vệ chạy vào không nhìn thấy Nixon đâu, người này hỏi người kia: "Cậu có thấy ông ấy không?". Người kia đáp: "Không, tôi chẳng thấy cái gã chó đẻ ấy đâu cả". Và bất ngờ từ trong phòng ngủ vang lên giọng nói của Tổng thống: "Cái gã chó đẻ ấy đang ở đây để tìm đôi tất của mình"…

Vị Tổng thống thứ 39 Jimmy Carter là ông chủ Nhà Trắng gây nhiều khó khăn và khó chịu nhất đối với các nhân viên an ninh. Trong lễ Giáng sinh đầu tiên sau khi đắc cử Tổng thống, ông Carter đi ra khỏi nhà riêng ở bang Georgia để mua tờ báo buổi sáng. Gặp những nhân viên an ninh đang gác cho ông ở cửa, ông thậm chí không buồn mở miệng chúc mừng Giáng sinh họ. Trong một cuộc họp báo, ông Carter đã phủ nhận việc ông ra lệnh cho các nhân viên trong Nhà Trắng phải xin phép mới được chơi tennis trên sân liên bang. Thực ra, ông gần như đã buộc họ làm gì cũng phải xin phép. "Tôi ở đây là trùm" - ông hay nói thế. Như một cựu cận vệ của ông Carter nhớ lại, vị Tổng thống này thích điều hành cả những việc cỏn con.

Theo nhận định của Charles Palmer, tiếp viên hàng không trên máy bay của Tổng thống, dường như ông Carter mắc bệnh nghiện quyền lực. ông thích gác lại câu trả lời, hứa sẽ trả lời sau rồi bất ngờ rộng miệng mỉm cười và nói: "Hãy thông báo rằng Tổng thống đã nói ừ rồi". Ông Carter đã nghĩ rằng ông ta chạy nhanh và giỏi hơn tất cả các nhân viên an ninh có nhiệm vụ bảo vệ ông ta. Và một lần ở trong trại David, ông Carter đã ngã vào tay một nhân viên an ninh mà ông ta định chạy vượt lên…

Vị Tổng thống thứ 40 Ronald Reagan, cựu minh tinh màn bạc, ngay cả trong đời thường cũng vẫn có phong cách cao bồi như trong phim. Ông ta luôn nhìn nhận sự vật một cách thực tế. Frank Kelly, người hay được ông Reagan đọc cho viết thư, kể rằng, ông Reagan thường viết séc tiền của mình cho những ai viết thư than thở với ông về sự túng bấn của họ. Và ông ta đã dặn đi dặn lại Kelly: "Không được nói với ai cả. Chính tôi cũng có thời đã rất túng bấn và cần được giúp đỡ"… Một nhân viên bảo vệ khác, tên là Ted Khresco, nhớ lại: khi trên truyền hình đưa tin về việc một ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ là Gary Hart phản bội vợ đi lại với mỹ nữ Donna Rice, ông Reagan đã thốt lên: "Các cậu bé luôn là các cậu bé". Rồi ông ta nói thêm: "Nhưng các cậu bé thì khó mà trở thành Tổng thống được".

Vị Tổng thống thứ 42 Bill Clinton đã làm phức tạp hơn công việc của các nhân viên an ninh bởi sự tới muộn thường xuyên của ông ta. Dù đi đâu làm gì, bao giờ ông Clinton cũng luôn dừng lại để bắt tay các nhân viên. Tới gần máy bay của mình, ông ta đi quanh nó để bắt tay đội ngũ phục vụ. ông ta cũng hay làm như thế mỗi khi vào khách sạn. Tới nhà hàng, ông Clinton hay đi thẳng vào bếp và bắt tay và chụp ảnh với tất cả những ai muốn thế, khiến các nhân viên bảo vệ cứ thót cả tim lại vì lo có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, như nhà báo Ronald Kessler viết trong cuốn sách của mình, vụ tai tiếng với Monica đã làm ông Clinton trở nên bẽ bàng. Nhân viên an ninh William Albrecht kể lại rằng, một ngày sau hôm ông Clinton thú nhận về mối quan hệ với Monica Lewinsky, ông bay trên chiếc phi cơ của Tổng thống về ngôi nhà ngoại ô ở Massachusetts. Khi Albrecht đang đứng trên đài chỉ huy thì bất ngờ bà Hillary Clinton gọi điện thoại tới hỏi xem chồng mình đang ở đâu. "Thưa bà, Tổng thống đang đi dạo. Ông ấy vừa rẽ vào tiệm cà phê" - Albrecht trả lời. "Anh phải kiểm tra lại việc này đi" - đệ nhất phu nhân ra lệnh rồi bảo nhân viên an ninh nói với Tổng thống để ông ta về nhà ngay: "Anh nhớ nói là phải về ngay!". Và Albrecht đã phải ngay lập tức thực hiện mệnh lệnh của đệ nhất phu nhân Hillary… Theo nhận xét của Albrecht, ông Clinton thích giao du với mọi người và chơi golf, nhưng vợ ông lại không thích thế. Ông Clinton muốn "lãng đãng bay bổng", còn bà vợ ông lại muốn kéo ông xuống mặt đất…

Các cô con gái của vị Tổng thống thứ 43 George Bush (con) hay đùa nghịch bằng cách trốn khỏi sự chăm lo của các nhân viên an ninh, không hiểu rằng làm thế là tự đưa mình vào vòng nguy hiểm và gây khó khăn cho các cận vệ Tổng thống như thế nào.

Ông Barack Obama từng được cơ quan an ninh đặc biệt bắt tay vào bảo vệ từ tháng 5-2007, một năm rưỡi trước khi diễn ra cuộc bầu cử đã đưa ông vào Nhà Trắng. Chưa bao giờ cơ quan an ninh Mỹ lại bảo vệ một ứng cử viên Tổng thống sớm như thế. Theo lời các cận vệ, cả ông Barack lẫn bà Michelle Obama và ông Joe Biden đều rất tôn trọng đội ngũ cận vệ của mình. "Đã hai lần ông Obama mời các nhân viên an ninh chúng tôi về nhà ăn tối, - một nhân viên từng bảo vệ ông Obama trong thời gian vận động tranh cử kể. - Còn bà Michelle Obama, khi đã trở thành đệ nhất phu nhân, đã yêu cầu các cận vệ gọi bà không phải bằng từ "Quý bà" mà bằng cái tên thân mật. Bà ấy rất thân thiện với các cận vệ".

Những chuyến công du

Bảo vệ Tổng thống Mỹ trên lãnh thổ nước Mỹ đã là việc nhiêu khê rồi. Đi theo họ trong các chuyên công du ra nước ngoài càng là việc nặng nề hơn đối với đội ngũ bảo vệ. Theo lời cựu nhân viên John Barlett, từng tháp tùng cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong nhiều chuyến công du, nhận xét: “Việc đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ khi đi ra nước ngoài luôn là mắt xích trọng yếu trong công tác của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ”.

Theo tạp chí Nga Itogi, việc chuẩn bị cho công tác bảo vệ an ninh cho Tổng thống trong các chuyến xuất ngoại thường được chuẩn bị từ trước đó khá sớm. Ngay từ khi chương trình làm việc của chuyến công du được thảo luận ở Nhà Trắng, các nhân viên của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã lập tức bắt tay vào soạn thảo các phương án nguy cơ có thể xảy ra. Mọi tuyến đường mà Tổng thống có thể đi qua đều được miêu tả và thống nhất đến từng chi tiết. Các kế hoạch thường xuyên được chỉnh lý dựa trên thông tin mới nhất mà các cơ quan tình báo cung cấp.

Cũng có những thông lệ mà Cơ quan Mật vụ không thay đổi. Thí dụ, các Tổng thống Mỹ khi đi ra nước ngoài thường trú lại trong khách sạn chứ không ở các dinh thự quốc gia. Thường là phía Mỹ thuê cả một tầng khách sạn, nơi có thể vừa sắp xếp đội quân bảo vệ, vừa có thể tính tới các phương án sơ tán khi có sự cố.

Một trong những đặc điểm của các chuyến công du của Tổng thống Mỹ là trong các đợt đi dài ngày, tháp tùng ông gần như là toàn bộ biên chế của Nhà Trắng. Những nhóm nhân viên Mật vụ được cử đi tiền trạm theo sát hành trình tương lai của Tổng thống. Khi bản thân Tổng thống tới nơi thì đoàn xe dành riêng cho ông phải có tới hàng chục chiếc. Trong số đó chắc chắn phải có một xe Limousine bọc thép N1, hai ba chiếc dự trữ giống hệt như thế, xe cấp cứu, xe thông tin và nhiều xe tháp tùng...

Tổng thống Mỹ thường đi lại bằng xe Cadillac de Ville được sản xuất độc bản. Vỏ bọc thép của xe này chịu được cả súng phóng lựu bắn thẳng vào. Thùng xăng của xe có chứa bọt chống cháy. Lốp xe được chế tạo đặc biệt để xe có thể chạy được ngay cả khi săm bị thủng. Kính xe không thể hạ được, tay cầm phía ngoài chỉ là đồ giả trang vì cửa xe chỉ có thể được mở từ phía bên trong. Trong “hành lý” đặt trên xe, ngoài các loại vũ khí (trong đó có cả lựu đạn hơi cay) còn có thêm lượng máu dự trữ có thể truyền cho Tổng thống trong tình huống cần thiết.

Tháp tùng Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du là gần như toàn bộ đội hình của ông: gần 250 nhân viên đặc nhiệm được trang bị vũ khí khí tài “tới tận răng” (trong đó có súng ngắn Sig Sauer P229, súng tự động Remington Model 870, các khẩu súng trường tự động MP5 và súng lục liên thanh Uzi...), hàng chục cố vấn và một số con chó đặc nhiệm đã được huấn luyện kỹ càng... Các đầu bếp của Nhà Trắng cũng có vị trí quan trọng trong đoàn giống như các cố vấn chính trị, kinh tế hay quân sự của Tổng thống. “Khi Tổng thống du lịch, theo ông là cả Nhà Trắng, bắt đầu từ cái xe hơi mà ông ngồi trên, đến thứ nước mà ông vẫn uống, thứ thức ăn mà ông vẫn quen miệng và cả thứ nhiên liệu mà xe ông vẫn hay dùng” - cựu nhân viên an ninh John Barlett tiết lộ. Khi ông Bush tới Điện Kremli trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức (9-5-2005), Tổng thống Mỹ chỉ uống Coca-cola mà một nhân viên an ninh Mỹ đưa lên (nhân viên này đi đâu cũng kè kè bên Tổng thống một thùng Coca-cola ướp đá mang sang từ Washington).

Phục vụ nguyên thủ quốc gia như thế thì quá mệt!

Luôn có sự cố

Cận vệ là làm sao để “bệ hạ” không phải đối mặt với những người không hẹn gặp. Đó có lẽ là mục tiêu phấn đấu của đội quân tháp tùng Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du, đặc biệt là khi ra nước ngoài. Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ rất cố gắng bảo vệ Tổng thống Mỹ để ông không phải bận tâm bởi những cuộc gặp gỡ không định trước. Và đương kim Tổng thống Mỹ cũng hiểu rõ điều này nên trong các chuyên công du, thực hiện rất nghiêm túc các kế hoạch mà Cơ quan Mật vụ đã lập ra. Các nhân viên an ninh ở Nhà Trắng chỉ phải “khổ” bởi cựu Tổng thống Bill Clinton, một người rất hay ngẫu hứng “đi vào quần chúng”. Lắm lúc họ đã toát mồ hôi hột khi thấy ông Clinton thoắt cái lại lẫn vào đám đông trò chuyện hay bắt tay người này người nọ...

Một trong những chuyến công du ngoại quốc đắt giá nhất của các nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ là chuyến thăm châu Á của vị Tổng thống Mỹ thứ 41 Bill Clinton năm 2000. Khi đó, Washington đã phải huy động tới hàng chục máy bay chiến đấu và cả một chiếc Boeing phụ để làm mục tiêu giả, đánh lạc hướng bọn khủng bố. Rất nhiều tiền đã phải bỏ ra cho chuyến sang Anh của Tổng thống Bush tháng 11-2003. Phía Anh khi đó đã buộc phải bác bỏ khá nhiều yêu cầu về an ninh của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ, trong đó có yêu cầu thay đổi một phần Điện Berkingham, nơi ông Bush tá túc lại ban đêm (phía Mỹ muốn người Anh xây tường dày thêm và thay kính cửa bình thường bằng kính đạn bắn không thủng...). Chính quyền London thấy nhiêu khê quá nên đã từ chối thực hiện các yêu cầu này.

Cẩn thận đến như thế nhưng không phải là sự cố không xảy ra. Trong chuyến thăm nước Anh của ông Bush lần ấy, một tờ báo địa phương sử dụng giấy tờ giả đưa được vào Văn phòng Nữ hoàng Anh một nhà báo với nhiệm vụ tiến hành một vụ “mưu sát ảo” Tổng thống Mỹ. Nhà báo này đã gần như hoàn thành nhiệm vụ! Còn tháng 6-2003, một người Nam Phi không rõ bằng cách nào đã lọt được lên chuyên cơ của Tổng thống Mỹ, lúc đó đang thực hiện một chuyến công du xuyên “lục địa Đen”. Nhân viên Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ chỉ phát hiện ra người này khi anh ta đang cố lọt vào phần khách sạn ở Uganda, nơi mà Tổng thống Mỹ chuẩn bị dừng chân lại... Tại Tbilisi năm ngoái, một thành niên Gruzia cũng đã kịp ném về phía Tổng thống Mỹ một quả lựu đạn. May mà quả lựu đạn đó không nổ...

Một nghề nguy hiểm

Thực oái oăm nhưng đó là sự thật: Ngay cả nguyên thủ quốc gia của một siêu cường gần như có quyền năng vô hạn trong các “đại sự” cũng trở nên dễ bị huỷ hoại nhất nhìn từ khía cạnh an ninh. Đang có quá nhiều phần tử muốn giải quyết tất cả các vấn đề khúc mắc bằng trò ám sát lãnh đạo nước này hay nước khác. Chống lại những kẻ này chỉ là một lịch làm việc mềm dẻo của Tổng thống và tinh thần sẵn sàng lấy thân che đỡ cho nguyên thủ của các nhân viên an ninh. Đội quân cận vệ Tổng thống Mỹ vì thế thường xuyên phải căng người ra làm việc và cũng rất dễ bị thương vong. Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã tiết lộ rằng, chỉ tính riêng trong năm 2003, họ đã bị mất hoặc bị thương 34 nhân viên trong lúc thi hành phận sự. Tình huống xảy ra các vụ việc này được đóng dấu tối mật.

Theo John Barlett, danh mục những phương án có thể xảy ra các vụ việc nguy hiểm đối với Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du không ngừng gia tăng. Giờ đây, Cơ quan Mật vụ không chỉ phải đối phó với những tình huống mà vũ khí chính là súng lục, súng bắn tỉa hay súng tự động. Cần phải tính tới cả việc ai đó có thể bắn tên lửa hay lái máy bay tới lao vào đám đông vây quanh Tổng thống. Thậm chí không thể loại trừ phường án đánh bom liều chết.

Cứ như thế thì có lẽ Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ không bao giờ được thảnh thơi. Những gì họ đã sẵn sàng đối phó bao giờ cũng quá ít ỏi hơn rất nhiều so với những bầt ngờ có thể xảy đến với các Tổng thống Mỹ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ nguyên thủ Mỹ, nhiệm vụ khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO